Quốc tế phản ứng với kế hoạch phóng tên lửa của Triều Tiên
VOV.VN - Cộng đồng quốc tế bày tỏ quan ngại trước diễn biến này đồng thời kêu gọi Triều Tiên có những động thái không làm phức tạp thêm tình hình.
Triều Tiên vừa thông báo về kế hoạch phóng vệ tinh quan sát Trái Đất trong thời gian từ ngày 8/2 - 25/2. Phản ứng trước thông tin này, cộng đồng quốc tế đã gia tăng sức ép, buộc Triều Tiên ngừng kế hoạch phóng vệ tinh- động thái mà một số Chính phủ nhận định sẽ là một vụ thử tên lửa mới.
Ngoài ra, các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang có kế hoạch đánh chặn tên lửa của Triều Tiên nếu vụ phóng vệ tinh diễn ra.
Một vụ phóng tên lửa từ tàu ngầm của Triều Tiên. (Ảnh: KCNA) |
Nhật Bản cũng cho biết đang chuẩn bị mọi phương án đề phòng Triều Tiên phóng vệ tinh sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo, vi phạm lãnh thổ nước này. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cho biết, ông đã ra lệnh cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản bắn hạ bất kỳ “mối đe dọa tên lửa” nào đối với nước này.
Ngoài ra, lực lượng phòng vệ Phòng vệ trên biển Nhật Bản cho biết, đã điều 3 tàu khu trục lớp Aegis mang tên lửa SM3 có tầm bắn 1.200km, tới khu vực biển Hoa Đông và biển Nhật Bản để sẵn sàng có hành động ngăn chặn nếu tên lửa đẩy của Triều Tiên đe dọa xâm phạm lãnh thổ Nhật Bản.
Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye cho rằng, hành động phóng vệ tinh của Triều Tiên "sẽ không bao giờ được chấp nhận". Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm nay thông báo, quân đội nước này đã hoàn thành công tác chuẩn bị để đánh chặn tên lửa mà Triều Tiên có kế hoạch phóng trong tháng 2 này - động thái mà nhiều nước cho rằng đó thực chất là một vụ thử tên lửa đạn đạo.
Trả lời báo giới, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Mun Sang Kyun cho biết: “Chúng tôi tăng cường phòng không để đánh chặn tên lửa hoặc những mảnh vỡ tên lửa của Triều Tiên có thể rơi vào lãnh thổ Hàn Quốc. Tùy thuộc vào mức độ tác động đối với Hàn Quốc, chúng tôi sẽ có hành động thích hợp như một phần của khả năng tự vệ”.
Trong khi đó, đồng minh của Nhật Bản và Hàn Quốc là Mỹ cho biết đang theo dõi chặt chẽ các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm qua khẳng định, quân đội Mỹ sẽ đồng thời tiếp tục mở rộng các hoạt động phòng thủ chống vụ tấn công tên lửa tiềm tàng từ Triều Tiên
Ông Carter nói: “Chúng tôi đang liên tục tăng cả số lượng và chất lượng hệ thống đánh chặn tên lửa để bảo vệ nước Mỹ. Nếu Triều Tiên phát triển thành công tên lửa liên lục địa thì chúng tôi sẽ bắn rơi tên lửa của họ. Nước Mỹ phải bảo vệ mình trong tình huống đó”.
Về phía Liên Hợp Quốc, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã hối thúc Triều Tiên ngừng kế hoạch phóng vệ tinh, cảnh báo hành động này sẽ vi phạm lệnh cấm của Liên Hợp Quốc về công nghệ tên lửa.
Người phát ngôn Liên Hợp Quốc Farhan Haq hôm qua cho biết, Tổng thư ký tin rằng, điều quan trọng là Triều Tiên "ngừng sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo", thúc đẩy hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
Ông Haq khẳng định, nghị quyết Liên hợp quốc cấm Triều Tiên phát triển công nghệ tên lửa là luật pháp quốc tế. Theo tuyên bố của người phát ngôn, Tổng thư ký Ban Ki-moon cho rằng, thông báo của Triều Tiên là “một diễn biến vô cùng rắc rối”, làm phức tạp thêm những quan ngại của cộng đồng quốc tế.
Trước đó, hôm 2/2, Triều Tiên đã thông báo với các tổ chức quốc tế về kế hoạch phóng một vệ tinh quan sát Trái Đất trong thời gian từ ngày 8 - 25/2 tới. Các nguồn tin cho biết, Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) và Liên đoàn Viễn thông quốc tế (ITU) đã được thông báo về kế hoạch trên.
Thông báo trên được Triều Tiên đưa ra sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố đã thử thành công bom nhiệt hạch (bom H) ngày 6/1 vừa qua. Bất chấp việc Triều Tiên cho rằng, các chương trình vũ trụ của nước này vì mục đích khoa học, cộng đồng quốc tế luôn bày tỏ quan ngại trước các vụ phóng của Triều Tiên, cho rằng đây thực chất là các vụ thử tên lửa đạn đạo.
Liên Hợp Quốc đã ra các nghị quyết cấm Triều Tiên sử dụng bất kỳ công nghệ đạn đạo nào, cũng như áp đặt các biện pháp trừng phạt sau vụ phóng vệ tinh gần đây nhất của nước này hồi tháng 12/2012./.