Quốc tế ủng hộ liên minh do Mỹ khởi xướng chống IS
VOV.VN - Cho đến nay, liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu chống IS đã nhận được sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhiều nước trên thế giới.
Ngày 27/9, Anh cũng đã điều các máy bay chiến đấu tới Iraq để không kích các căn cứ ở Iraq của IS sau khi Hạ viện Anh bỏ phiếu thông qua việc tham gia liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu chống tại tổ chức khủng bố này.
Phát biểu cùng ngày trong chuyến thăm khu vực Oxfordshire trước thềm hội nghị thường niên của đảng Bảo thủ, Thủ tướng Anh David Cameron khẳng định, Anh đã sẵn sàng “thực hiện phần việc của mình” chống IS. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh chính phủ Iraq và các lực lượng an ninh sở tại đóng vai trò quan trọng trong liên minh truy diệt tổ chức thánh chiến Hồi giáo này.
Ông Cameron nói:“Chúng tôi là một trong số các đối tác trong một liên minh rộng lớn quốc tế nhằm đối phó với IS. Tuy nhiên, đóng vai trò chính trong liên minh này sẽ vẫn phải là Chính phủ hợp pháp của Iraq và các lực lượng an ninh của nước này. Chúng tôi có mặt tại Iraq để thực hiện vai trò của mình là để giúp chính phủ Iraq đối phó với tổ chức khủng bố này”.
Trước đó, cùng ngày trong bài phát biểu tại Hạ viện trước khi cơ quan này thông qua kế hoạch tham chiến chống IS ở Iraq với số phiếu áp đảo (524 phiếu thuận và chỉ 43 phiếu chống), Thủ tướng Cameron nêu rõ: Anh có lợi ích trong việc tham gia truy diệt Nhà nước Hồi giáp ở Iraq và không có rào cản pháp lý nào đối với các hành động tương tự tại Syria. Tuy nhiên, trong kế hoạch tham chiến vừa được Hạ viện thông qua, chính phủ Anh không đề xuất tham gia không kích chống IS ở Syria cũng như việc đưa binh sĩ Anh tham chiến trên bộ.
Theo nguồn tin Bộ Quốc phòng Anh trong ngày 27/9, 2 chiếc phản lực Tornado cùng một máy bay tiếp dầu đã cất cánh từ căn cứ của Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh ở Akrotiri, Cộng hòa Síp, sẵn sàng cho đợt không kích đầu tiên nhằm vào các căn cứ ở Iraq của tổ chức IS.
Dự kiến, các đợt không kích đầu tiên của Không lực Hoàng gia Anh sẽ diễn ra trong vòng 48 giờ sau cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện.
Cùng với Anh, nhiều nước trên thế giới ngày 27/9 cũng đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ mà tổ chức IS đang đặt ra đối với Iraq và thế giới.
Trong bài phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đang diễn ra tại New York, Mỹ, Ngoại trưởng UAE Sheikh Abdullah Bin Zayed nhấn mạnh, nếu cộng đồng quốc tế không chung sức đối phó với IS, nguy cơ mà tổ chức IS đặt ra sẽ vượt ra khỏi biên giới của khu vực Trung Đông.
Ngoại trưởng Bin Zayed nói: “Với sự gia tăng các vụ khủng bố và cực đoan tại khu vực, chủ yếu là do tổ chức Nhà nước hồi giao gây ra, cộng đồng quốc tế cần nhận thức rõ rằng, nguy cơ mà các nhóm khủng bố và cực đoan đặt ra, đang có xu hướng vượt ra khỏi khu vực Trung Đông, đe dọa đến phần còn lại của thế giới. Các tổ chức khủng bố đang lợi dụng môi trường bất ổn tại một số các quốc gia trong khu vực như Afghanistan, Somali, Yemen, Iraq, Syria, Libya và các quốc gia châu Phi để tác quái”.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết quân đội nước này sẽ thiết lập vành đai an ninh ở biên giới với Syria nếu như có thỏa thuận quốc tế về việc cần bảo vệ những người tị nạn Syria chạy trốn khỏi IS.
Theo ông Erdogan, không thể tận diệt một tổ chức khủng bố chỉ bằng các cuộc không kích mà phải cần đến các lực lượng trên bộ và Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng thực hiện vai trò của mình./.