Quyền ngắt kết nối có hiệu lực tại Australia
VOV.VN - Người lao động Australia từ hôm nay có thể không cần có kết nối với những người lãnh đạo của mình ngoài giờ làm việc nhờ vào "quyền ngắt kết nối" mới được đưa ra để hạn chế việc email và các cuộc gọi yêu cầu làm việc ngoài giờ. Tuy nhiên, luật này vẫn đang tạo ra những tranh cãi giữa người lao động và sử dụng lao động.
Quy định mới bắt đầu có hiệu lực từ ngày 26/8. Điều này có nghĩa là nhân viên không thể bị phạt vì từ chối đọc hoặc trả lời liên lạc từ người sử dụng lao động ngoài giờ làm việc. Những người ủng hộ cho biết luật này giúp người lao động tự tin hơn khi được quyền không trả lời email, tin nhắn và cuộc gọi công việc, một xu hướng ngày càng gia tăng kể từ khi đại dịch xóa nhòa ranh giới giữa gia đình và công việc.
Anh David Brennan, một nhân viên trong ngành tài chính mặc dù ủng hộ điều luật này song vẫn tỏ ra không ít hoài nghi về việc thực thi được điều này.
"Tôi nghĩ đây là một ý tưởng tuyệt vời. Tôi hy vọng nó sẽ được thực hiện. Nhưng nói thật thì tôi nghi ngờ nó sẽ không được thực hiện trong ngành của chúng tôi. Bởi vì chúng tôi được trả lương cao, chúng tôi được kỳ vọng sẽ hoàn thành công việc và chúng tôi cảm thấy mình phải hoàn thành công việc 24 giờ một ngày, nếu cần, vì vậy điện thoại luôn bật, máy tính luôn bật và chúng tôi làm việc", Brennan nêu quan điểm.
Rachel Abdelnour, làm việc trong ngành quảng cáo, cho biết những thay đổi này sẽ giúp cô thoát khỏi sự phụ thuộc vào một ngành mà khách hàng thường có giờ làm việc khác nhau.
"Tôi nghĩ rằng thực sự rất quan trọng khi chúng ta có những luật như thế này. Chúng ta dành quá nhiều thời gian để kết nối với điện thoại, kết nối với email cả ngày và tôi nghĩ rằng thực sự rất khó để tắt chúng đi. Tôi ủng hộ điều luật này", Abdelnour nói.
Theo một cuộc khảo sát do Viện Australia thực hiện vào năm ngoái, người dân Australia trung bình làm thêm giờ không công 281 giờ trong năm 2023 và ước tính giá trị tiền tệ của lao động này là 130 tỷ AUD (tương đương 88,30 tỷ USD).
Những thay đổi này đưa Australia vào nhóm khoảng hai chục quốc gia, chủ yếu ở châu Âu và Mỹ Latinh, có luật tương tự. Pháp là nước tiên phong ban hành luật này vào năm 2017 và một năm sau đã phạt công ty Rentokil Initial 60.000 euro (tương đương 67.250 USD) vì yêu cầu nhân viên phải luôn bật điện thoại.
Bà Fiona Macdonald, giám đốc chính sách tại Trung tâm Công việc của Tương lai, cho biết một số nhà tuyển dụng sẽ lo ngại rằng đây là lệnh cấm hoàn toàn mọi hình thức liên lạc ngoài giờ làm việc.
"Sẽ phải mất một thời gian để làm quen và tìm ra cách áp dụng nó ở nhiều nơi làm việc khác nhau. Nó sẽ giúp nơi làm việc, quản lý và nhân viên, cùng nhau tìm ra những gì cần thiết và không cần thiết cũng như cách làm việc tốt hơn", bà Macdonald nói.
Tuy nhiên, để giải quyết các trường hợp khẩn cấp và công việc có giờ làm việc không cố định, quy định này vẫn cho phép người sử dụng lao động liên lạc với người lao động và họ chỉ có thể từ chối trả lời khi thấy hợp lý. Việc xác định xem việc từ chối có hợp lý hay không sẽ tùy thuộc vào trọng tài công nghiệp của Australia. Cơ quan này có thẩm quyền ban hành lệnh ngừng và hủy bỏ hoạt động, nếu không sẽ phạt tới 19.000 AUD (12.906 USD) đối với nhân viên hoặc 94.000 AUD (63.854 USD) đối với công ty.
Nhưng nhóm các công ty ngành công nghiệp Australia, cho biết sự mơ hồ về cách áp dụng quy tắc sẽ gây nhầm lẫn cho cả người lao động và người sử dụng lao động. Từ đó công việc sẽ trở nên kém linh hoạt hơn và làm chậm nền kinh tế.