Quyết định cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ ảnh hưởng nhiều tới các nước nghèo
VOV.VN - Lệnh cấm xuất khẩu mặt hàng gạo tẻ thường của Ấn Độ mới đây đã gây bất ngờ thị trường toàn cầu. Quyết định này có giá trị ngay lập tức, đã tạo ra những phản ứng trên thị trường thế giới, bởi Ấn Độ hiện là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Việc Ấn Độ dừng xuất khẩu gạo được dự báo có thể làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu vốn bắt đầu từ khi nổ ra cuộc xung đột tại Ukraine năm 2022. Vậy nguyên nhân nào dẫn tới quyết định này của Ấn Độ? Ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ chia sẻ một vài nhận định với phóng viên thường trú VOV tại Ấn Độ.
4 nguyên nhân dẫn tới lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ
Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ hôm 20/7 gây nhiều bất ngờ với thế giới. Theo đánh giá của Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, quyết định ban hành lệnh cấm của Chính phủ Ấn Độ xuất phát từ 4 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, diện tích gieo trồng trong vụ Hè Thu - vụ canh tác quan trọng nhất của Ấn Độ đã giảm xuống trong thời gian vừa qua. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Ấn Độ, đến ngày 10/7, tổng diện tích gieo trồng của toàn Ấn Độ mới đạt được khoảng 7 triệu hecta, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước.
Thứ hai là do giá gạo và giá lương thực ở thị trường Ấn Độ đã tăng mạnh trong thời gian vừa qua. Trong suốt 1 năm vừa qua giá gạo có thời điểm đã tăng bình quân khoảng 10-12%. Có thời điểm đã tăng khoảng 3%/tháng. Việc tăng giá lương thực và giá gạo tại thị trường Ấn Độ đã ảnh hưởng rất lớn đến người dân, đặc biệt là người nghèo; dẫn đến việc Chính phủ Ấn Độ đã cân nhắc can thiệp.
Thứ ba là mặc dù trong năm 2022, Chính phủ Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo 100% tấm và áp thuế 20% với loại gạo tẻ thường, nhưng tổng lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ vẫn đang tăng rất mạnh. Theo số liệu của Bộ Công thương Ấn Độ, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2023, tổng lượng xuất khẩu của Ấn Độ đã đạt khoảng 9,6 triệu tấn, bằng lượng xuất khẩu của cả năm 2019. Đà tăng này có thể ảnh hưởng tới cân đối nhu cầu lương thực trong nước.
Thứ tư, theo đánh giá việc ngừng xuất khẩu gạo còn có thể liên quan tới yếu tố chính trị. Năm 2024, Ấn Độ sẽ bước vào cuộc tổng tuyển cử trên toàn quốc. Cuộc bầu cử sẽ quyết định việc bầu ra Quốc hội và Chính phủ mới. Do vậy bất kỳ sự biến động nào về giá gạo, giá lương thực tại thị trường trong nước đều có thể ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử trong thời gian tới. Do vậy, có ý kiến cho rằng, Chính phủ Ấn Độ đã cân nhắc cả yếu tố này để đưa ra quyết định bất ngờ cấm xuất khẩu gạo.
Tuy vậy, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, Ấn Độ cũng đặt ra những điều khoản hoặc những trường hợp được phép tiếp tục xuất khẩu. Ví dụ với những đơn hàng đã ký hoặc hàng đã giao đến cảng và chuẩn bị bốc dỡ lên tàu trước ngày ban hành lệnh cấm.
Ngoài ra, Chính phủ Ấn Độ áp dụng hình thức xuất khẩu theo thỏa thuận giữa chính phủ với chính phủ đối với một số nước để đảm bảo quan hệ giữa Ấn Độ với các nước đó hoặc đảm bảo an ninh lương thực cho một số nước nhất định.
Các nước nghèo có thể bị ảnh hưởng nhiều vì lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ
Theo số liệu của Bộ Công thương Ấn Độ, trong năm tài chính 2022 – 2023, Ấn Độ đã xuất khẩu hơn 22 triệu tấn gạo trong tổng số 55 triệu tấn gạo xuất khẩu của toàn cầu. Như vậy, lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ chiếm hơn 40% tổng lượng xuất khẩu gạo của thế giới. Bất kỳ động thái hạn chế xuất khẩu nào của Ấn Độ đều có tác động tới thị trường ngũ cốc của thế giới.
Ông Bùi Trung Thướng phân tích: lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã tăng rất mạnh trong thời gian vừa qua. Cụ thể là, trước đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu gạo của Ấn Độ chỉ đạt 10 triệu tấn/năm. Trong 2 năm 2021- 2022, lượng gạo xuất khẩu trung bình của Ấn Độ mỗi năm tăng rất mạnh, từ 10 triệu tấn năm 2019 lên 22,3 triệu tấn năm 2022. Vì thế, biến động giá gạo trong thời gian tới phụ thuộc lớn vào chính sách của Chính phủ Ấn Độ.
“Theo chúng tôi được biết, rất nhiều doanh nghiệp, hiệp hội xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã đề nghị Chính phủ Ấn Độ xem xét lại quyết định này. Vì theo quan điểm của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, Ấn Độ không thiếu gạo. Lượng gạo dự trữ cho an ninh lương thực của Ấn Độ là hoàn toàn đảm bảo. Do đó, họ khuyến nghị Chính phủ Ấn Độ cần xem xét lại, nhìn một cách tổng thể thị trường lương thực toàn cầu thay vì các mục tiêu ngắn hạn, những mục tiêu nội bộ của Ấn Độ trong thời gian tới”, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ Bùi Trung Thướng thông tin.
Quyết định cấm xuất khẩu gạo ảnh hưởng như thế nào tới thị trường toàn cầu
Ấn Độ xuất khẩu chủ yếu hai mặt hàng gạo. Thứ nhất là gạo Basmati, mỗi năm xuất khẩu khoảng 4,2 đến 5 triệu tấn, chiếm tới 80% lượng gạo xuất khẩu của toàn thế giới trong phân khúc này. Những nước nhập khẩu loại gạo này sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi lệnh cấm này trong thời gian tới. Tuy nhiên, những nước nhập khẩu gạo tẻ thường (gạo phi Basmati) của Ấn Độ, đặc biệt là những nước nghèo, những nước ở châu Phi bị ảnh hưởng đáng kể.
Theo số liệu tổng hợp từ Bộ Công thương Ấn Độ, riêng trong năm tài chính 2022 – 2023, lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ thuộc danh mục vừa bị cấm ở vào khoảng 10 triệu tấn. Do vậy, tất cả các nước xuất khẩu còn lại như Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Pakistan cũng rất khó có đủ lượng gạo xuất khẩu để bù đắp sự thiếu hụt do gạo Ấn Độ để lại. Quyết định này sẽ có tác động lớn tới các nước vốn phụ thuộc vào gạo xuất khẩu của Ấn Độ; tiếp đó là sẽ ảnh hưởng tới giá các loại ngũ cốc khác.
Hiện tại Ấn Độ xuất khẩu gạo tới hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nên tác động là tương đối lớn.