Sáng kiến vaccine toàn cầu Covax và những vấn đề còn tồn tại
VOV.VN - Covax là chương trình nhằm đảm bảo vaccine được chia sẻ công bằng giữa các quốc gia trên thế giới. Mặc dù đang được triển khai, kế hoạch này vẫn đang còn một số vấn đề tồn đọng.
Sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu tháng 4/2020, các tổ chức quốc tế đã phối hợp cùng nhau để đảm bảo những người dễ tổn thương nhất được tiếp cận vaccine trong bối cảnh cuộc chạy đua vaccine giữa các nước giàu. Sáng kiến được biết đến với tên gọi Covax đã được tạo ra bởi Tổ chức Y tế Thế giới, liên minh vaccine GAVUI và Liên minh sẵn sàng đối phó dịch bệnh (CEPI).
Mục đích của Covax nhằm đàm phán các thỏa thuận mua vaccine số lượng lớn từ các công ty dược phẩm và cũng có thể nhận vaccine do các nước giàu quyên góp. Các nước nghèo có thể được nhận vaccine miễn phí trong khi các nước có điều kiện hơn có thể mua vaccine từ Covax nhằm đa dạng hóa nguồn cung của mình.
Tuy nhiên, sáng kiến này đã gặp nhiều trở ngại từ tài chính cho tới nguồn cung và hậu cần trong khi một số nước giàu tiếp tục chạy đua vaccine.
Lô vaccine đầu tiên được mua bởi Covax đã tới Ghana ngày 24/02. Khoảng 600 nghìn liều vaccine của hãng dược phẩm AstraZeneca do Ấn Độ sản xuất dự kiến sẽ được đưa vào chương trình tiêm vaccine ở nước này trong vòng 3 tuần tới. Trong một tuyên bố chung khi chuyển giao lô vaccine trên cho Ghana, Tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã nhấn mạnh rằng, đây là dấu mốc quan trọng góp phần chấm dứt đại dịch Covid-19 trên thế giới.
Dự kiến, đến cuối năm nay, chương trình chia sẻ vaccine Covax sẽ chuyển khoảng 2 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 cho các nước trên khắp thế giới. Nhiều nước giàu triển khai chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 từ nhiều tháng nay và hiện đang phải đối mặt với không ít lời chỉ trích vì mua hoặc đặt mua vaccine vượt quá nhu cầu sử dụng.
Vì sao cần có Covax?
Không phải nước nào cũng có thể tự mua vaccine ngừa Covid-19 và trong các đại dịch trước đây bao gồm dịch cúm lợn năm 2009, vaccine đã bị các nước giàu tích trữ cho tới khi dịch bệnh hết bùng phát. Trong cuộc khủng hoảng HIV, các biện pháp điều trị chỉ được áp dụng tại châu Phi sau nhiều năm được sử dụng ở các nước phương Tây.
Trước nghĩa vụ đạo đức chia sẻ vaccine một cách rộng rãi, các nhà khoa học đã cảnh báo rằng việc để virus lây lan tự do tại bất kỳ quốc gia nào là một rủi ro toàn cầu vì điều đó có thể dẫn tới các biển thể nguy hiểm mới mà sau đó có thể lây sang những người từng nhiễm hoặc đã được tiêm phòng.
Covax sẽ làm gì?
Mục đích ban đầu của Covax là có vaccine cho các nước nghèo cùng thời điểm các nước giàu tiến hành tiêm phòng. Mặc dù không đạt được mục đích này, Covax vẫn hy vọng sẽ cung cấp 2 tỷ liều vaccine cho hơn 90 nước vào cuối năm 2021.
Covax hiện chỉ có kế hoạch cung cấp đủ vaccine cho 20%-30% người dân ở các nước nghèo và điều này vẫn có thể khiến các nước này gặp rủi ro trước các đợt bùng phát dịch bệnh. Các chuyên gia ước tính rằng ít nhất 70% dân số ở một quốc gia cần phải được bảo vệ trước Covid-19 để phòng tránh các dịch bệnh trong tương lai.
Kate Elder thuộc Tổ chức Bác sỹ không biên giới đã gọi lô vaccine đầu tiên của Covax cho Ghana là “một khởi đầu nhỏ, muộn” hướng tới tiêm chủng toàn cầu. Tổ chức này cho rằng nên hoãn vận chuyển vaccine tới các nước giàu “trong khi thế giới đang tìm cách bảo vệ những người dễ gặp rủi ro nhất ở các nước đang phát triển.”
Vì sao Covax không được triển khai nhanh hơn?
Hiện nay chưa có đủ vaccine. Nguồn cung vaccine Covid-19 của thế giới rất hạn chế, các công ty đang tìm cách sản xuất thêm và các chuyên gia dự báo sẽ không có đủ vaccine cho người dân toàn cầu cho tới năm 2023 hoặc 2024. Trong khi các nước thu nhập trung bình và cao đã dự trữ hơn 5 tỷ liều vaccine, Covax mới ký thỏa thuận thu mua hơn 1 tỷ liều tuy nhiên không phải tất cả các thỏa thuận đó đều có ràng buộc về mặt pháp lý.
Sáng kiến Covax đã nhận được hàng tỷ USD, tuy nhiên Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong tuần này cho rằng tiền sẽ hầu như không có ý nghĩa nếu không có vaccine để mua. Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nước giàu không ký thêm hợp đồng mua thêm vaccine vì điều này sẽ ảnh hưởng tới các thỏa thuận mà Covax đã đạt được.
Covax cũng không thể bắt đầu vận chuyển bất kỳ loại vaccine nào cho tới khi được WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp. Mới chỉ có hai loại vaccine được phê duyệt, là vaccine của Pfizer-BioNTech và AstraZeneca. Vaccine của AstraZeneca chiếm phần lớn trong các thỏa thuận Covax đã ký và mới chỉ được phê duyệt tuần trước.
Không giống các đợt bùng phát dịch bệnh trong quá khứ khi các nước nghèo phải đợi vaccine được chuyển tới bởi các tổ chức viện trợ, sự chậm trễ lần này đã khiến nhiều quốc gia đang phát triển phải tự tìm kiếm các hợp đồng riêng ngoài Covax.
Các nước giàu làm gì để hỗ trợ?
Mặc dù các nước thành viên G7 hứa đảm bảo tiếp cận công bằng đối với vaccine Covid-19 và cam kết 7,5 tỷ USD cho Covax, hiện chưa có nhiều thông tin chi tiết từ các nước bao gồm Anh, Đức và Pháp về việc khi nào họ sẽ sẵn sàng chia sẻ số vaccine dư thừa của mình.
Trong khi Tổng thống Pháp Emmanueal Macron hứa đóng góp 5% vaccine cho Covax, Ngoại trưởng Anh James Cleverly cho rằng “rất khó để khẳng định khi nào Anh sẽ đóng góp và sẽ làm như thế nào”.
Nhiều nước giàu đã bị chỉ trích khi thu mua số lượng lớn vaccine. Ví dụ, Anh có các thỏa thuận mua vaccine nhiều hơn 5 lần số lượng cần thiết cho toàn bộ dân số của mình. Các nước này lập luận rằng rằng mình cần phải đạt được các thỏa thuận trước khi biết vaccine nào sẽ hiệu quả và thường hứa sẽ đóng góp số vaccine dư thừa. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là các nước này không đưa ra các chi tiết cụ thể và điều này khiến một số chuyên gia cho rằng các nước sẽ không đóng góp vaccine cho tới khi họ biết kháng thể kéo dài trong bao lâu và có tác dụng đối với các biến thể nào.
Các nước giàu khác như Canada, New Zealand và Singapore đã đăng ký nhận vaccine thông qua Covax ngay cả khi đã có nguồn cung riêng của mình. WHO cho biết các yêu cầu đó sẽ được thực hiện vì một phần mục đích của Covax là cho phép các nước giàu mua các loại vaccine đa dạng./.