Sát thủ diệt tăng sắp được bổ sung cho Ukraine sẽ khiến Nga đứng ngồi không yên?
VOV.VN - Việc phương tiện chiến đấu bộ binh M-2 Bradley – được mệnh danh là “sát thủ diệt tăng”, sắp được bổ sung cho lữ đoàn mạnh nhất Ukraine liệu có khiến các đội xe tăng của Nga phải đứng ngồi không yên?
Sau nhiều tháng trì hoãn, Quốc hội Mỹ cuối cùng đã thông qua gói hỗ trợ mới trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine ngày 23/4. Tổng thống Joe Biden ký thông qua dự luật này ngay ngày hôm sau và chỉ trong vài giờ, Lầu Năm Góc thông báo một gói hỗ trợ trị giá 1 tỷ USD với các loại đạn dược và phương tiện quan trọng cho các lực lượng của Kiev.
Không phải ngẫu nhiên mà gói hỗ trợ này bao gồm một số phương tiện chiến đấu bộ binh M-2 Bradley. Đơn vị duy nhất của Ukraine sử dụng M-2 là Lữ đoàn Cơ giới 47, đang chiến đấu ở thế phòng thủ trước lực lượng Nga lớn hơn về mọi mặt. Moscow hiện tăng cường tiến công về phía Tây Avdiivka.
Được hỗ trợ lô đạn dược mới và được thay thế các phương tiện M-2, Lữ đoàn Cơ giới 47 đã ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga. Một cuộc giao tranh dữ dội do UAV Ukraine ghi lại đã cho thấy điều này.
Tối 8/5, một pháo thủ của M-2 đã phát hiện ra xe tăng T-80 của Nga cách đó 1,6km dọc một cánh đồng ở phía Đông làng Novopokrovske. Tổ lái M-2 đã phóng một tên lửa chống tăng TOW về phía chiếc xe tăng nặng 43 tấn này. Bộ Quốc phòng Ukraine tuyên bố, Bradley chính là "sát thủ diệt tăng".
Đây là một trong những sát thủ diệt tăng tầm xa trong cuộc xung đột ở Ukraine. Bradley vốn là phương tiện chiến đấu chủ lực của Lục quân Mỹ từ những năm 1980.
"Bradley không phải một xe tăng nhưng nó có thể là một sát thủ diệt tăng", Mark Hertling - Tướng Lục quân Mỹ đã nghỉ hưu cho hay.
M-2 chở được 10 người, nặng 33 tấn, được đánh giá là phương tiện chiến đấu tốt nhất của Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Trang bị cho 3 tiểu đoàn của Lữ đoàn Cơ giới 47 với mỗi tiểu đoàn 30 phương tiện, nhiệm vụ chính của M-2 là đưa bộ binh tới chiến trường, sau đó tham gia chiến đấu, tấn công dồn dập quân đội và các phương tiện của Nga bằng hỏa lực pháo tự động cỡ nòng 25 mm.
M-2 nhẹ hơn một xe tăng thông thường khoảng 10 tấn, chủ yếu là bởi lớp giáp của nó mỏng hơn nhiều so với lớp giáp xe tăng. Trong một cuộc cận chiến với xe tăng Nga, M-2 có lẽ không duy trì được lâu. Tuy nhiên, trong cuộc giao tranh từ xa, tầm ngắm chính xác và các tên lửa TOW của M-2 đã mang đến cho nó lợi thế, đặc biệt là về ban đêm, khi các hệ thống quang học hồng ngoại tiên tiến của Bradley giúp các binh lính quan sát xe tăng đối phương trước khi đội tăng của họ nhìn thấy Bradley.
Lầu Năm Góc hy vọng quân đội Ukraine sẽ tận dụng khả năng diệt tăng của M-2.
"M-2 đặc biệt có khả năng chống tăng hiệu quả đối với mỗi loại phương tiện bọc thép mà Nga triển khai ở Ukraine”, Laura Cooper, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhận định với báo giới năm ngoái, không lâu sau khi Washington cam kết hỗ trợ lô phương tiện chiến đấu bộ binh M-2 đầu tiên cho Kiev với khoảng 200 chiếc.
Ngoài nhiệm vụ hỗ trợ bộ binh, Lữ đoàn Cơ giới 47 còn triển khai cả M-2 để tiến hành các nhiệm vụ săn xe tăng. Trong một cuộc giao tranh dữ dội ở phía Nam Ukraine vào mùa hè năm ngoái, một tổ lái Bradley được cho là đã hạ 2 xe tăng T-72 của Nga.
Lữ đoàn Cơ giới 47 đã chiến đấu liên tục trong 1 năm qua và tổn thất số lượng phương tiện M-2 nhất định. Các nhà phân tích thuộc trang tình báo nguồn mở Oryx ghi nhận 37 phương tiện chiến đấu bộ binh Bradley bị phá hủy và hàng chục chiếc bị hư hại. Khi Lữ đoàn này chiến đấu với Nga ở phía Tây Avadiivka vào tháng trước, họ đã cạn kiệt M-2.
Điều này đang thay đổi khi các phương tiện mới được cung cấp cho Ukraine. Dự kiến sẽ có thêm các phương tiện M-2 giao tranh với xe tăng Nga từ xa như cách Lữ đoàn Cơ giới 47 đang tiến hành để ổn định tiền tuyến.