Sau vụ Ferguson, Mỹ bàn việc xây dựng lòng tin giữa cảnh sát-cộng đồng
VOV.VN - Tổng thống Mỹ Obama nhấn mạnh vụ việc tại Ferguson không đơn thuần chỉ là vấn đề địa phương mà là vấn đề mang tính toàn quốc.
Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa công bố một loạt các biện pháp xây dựng lòng tin nhằm đối phó với những thách thức đang nổi lên sau sự cố tại Ferguson, bang Missouri, khi tòa án từ chối truy tố một cảnh sát da trắng bắn chết một thiếu niên da màu không có vũ khí.
Tại cuộc họp với đại diện chính quyền địa phương và cơ quan thực thi luật pháp trên toàn nước Mỹ vào sáng 12/2 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Obama nhấn mạnh vụ việc tại Ferguson không đơn thuần chỉ là vấn đề địa phương mà là vấn đề mang tính toàn quốc.
"Một trong những nguyên tắc cơ bản, có lẽ cũng là nguyên tắc quan trọng nhất của nước Mỹ, là bình đẳng trước pháp luật. Dường như có quá nhiều người, đặc biệt là những thanh niên da màu cảm thấy họ không được đối xử công bằng. Khi một phần của nước Mỹ cảm thấy không được đối xử công bằng thì đó là vấn đề của tất cả chúng ta”, Tổng thống Obama nói.
Tuyên bố của Tổng thống Obama được đưa ra chỉ một tuần sau khi tòa án quyết định không khởi tố nhân viên cảnh sát da trắng Darren Wilson, người bắn chết một thiếu niên da màu 18 tuổi không vũ khí tại Ferguson, châm ngòi cho các cuộc biểu tình lớn tại đây cũng như trên khắp nước Mỹ. Tuy nhiên, ông Obama cũng nêu rõ mối quan ngại của cộng đồng cần phải được đặt ngang bằng với an toàn của các nhân viên cảnh sát.
Ông Obama nhấn mạnh: “Chúng ta cần đặt chính bản thân mình trong những hoàn cảnh, tình huống nguy hiểm mà cảnh sát phải đối mặt để hiểu rằng công việc mà họ đang làm thực sự khó khăn… Tôi tin rằng chúng ta hoàn toàn có thể đảm bảo rằng các nhân viên cảnh sát và cộng đồng có thể trở thành đối tác trong phòng chống tội phạm, và tất cả mọi người đều cảm thấy an toàn. Chúng ta có thể xây dựng lòng tin nhưng quá trình này không thể hoàn thành trong một sớm một chiều”.
Tại cuộc họp, Tổng thống Obama đã công bố một kế hoạch 3 năm nhằm hỗ trợ hoạt động cảnh sát cộng đồng với kinh phí lên tới 263 triệu USD, trong đó 75 triệu USD sẽ được sử dụng để mua 50.000 camera gắn trên người các nhân viên cảnh sát nhằm cung cấp các thông tin cụ thể và xác thực trong trường hợp xảy ra sự cố, chẳng hạn như vụ việc tại Ferguson. Kế hoạch trên cũng bao gồm các chương trình đào tạo để xây dựng lòng tin giữa cảnh sát và cộng đồng.
Ông Obama cũng tuyên bố thành lập một nhóm công tác để nghiên cứu phương thức cải thiện hoạt động của cảnh sát, đồng thời yêu cầu thắt chặt kiểm soát đối với ngân sách liên bang được sử dụng để mua trang thiết bị kiểu quân sự cho cảnh sát địa phương nhằm đảm bảo rằng nước Mỹ không xây dựng “văn hóa quân sự hóa” trong các lực lượng này.
Cùng ngày, Nhà Trắng đã công bố một báo cáo về chương trình cung cấp trang thiết bị cho các cơ quan thực thi luật pháp địa phương, trong đó khuyến nghị rằng các trang thiết bị của cảnh sát được mua bằng ngân sách liên bang phải đảm bảo “mục đích chấp pháp dân sự chính đáng”.
Báo cáo cho biết chính phủ Mỹ đã chi khoảng 18 tỷ USD để mua sắm trang thiết bị cho cảnh sát địa phương trong 5 năm qua, trong đó một phần nhỏ đã được sử dụng để mua các trang thiết bị quân sự như vũ khí có sức công phá lớn và xe đặc chủng. Báo cáo cũng kêu gọi xây dựng một danh sách đồng bộ trên toàn quốc về các trang thiết bị quân sự mà các cơ quan thực thi luật pháp được phép mua sắm./.