Saudi Arabia im lặng để đầu tư cho quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ
VOV.VN-Việc thể hiện thái độ im lặng có tính toán đối với sắc lệnh cấm nhập cư của ông Trump cho thấy Saudi Arabia đang đầu tư vào mối quan hệ tốt hơn với Mỹ.
Vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh quy định cấm nhập cảnh tạm thời vào Mỹ đối công dân của 7 nước Hồi giáo vì cho rằng các quốc gia này có liên quan đến việc bảo trợ các tổ chức khủng bố hoặc liên quan trực tiếp đến khủng bố, đe dọa đến an ninh quốc gia của Mỹ.
Saudi Arabia im lặng trước sắc lệnh nhập cư của Tổng thống Trump. Ảnh: Getty Images. |
Trong khi đó, Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh khác lại không nằm trong danh sách này.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, sở dĩ các quốc gia này nằm ngoài sắc lệnh của ông Trump bởi các bên vẫn đang duy trì các mối quan hệ đồng minh chiến lược, phụ thuộc và ràng buộc lẫn nhau trong giải quyết các vấn đề của khu vực.
Chống khủng bố là một ưu tiên chiến lược nhưng đồng thời cũng là thách thức lớn trong nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump. Sau khi nhậm chức, ông Trump cam kết sẽ xây dựng mối quan hệ với các đồng minh ở Trung Đông một cách công bằng trong cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, điều mà người tiền nhiệm của ông, cựu Tổng thống Barack Obama chưa thể làm được.
Khác với ông Obama, ưu tiên hàng đầu của ông Trump là chống khủng bố, trong khi coi quốc gia theo Hồi giáo dòng Shiite Iran là mối quan ngại thực sự ở khu vực. Chính sách này được cho là phù hợp với quan điểm của Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh khác theo dòng Hồi giáo Sunni.
Trong khi đó, Saudi Arabia tiếp tục được xác định là đồng minh chính của Mỹ ở khu vực. Thời gian qua, các nhà ngoại giao Mỹ thường xuyên ủng hộ Saudi Arabia tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Hội đồng Nhân quyền, đặc biệt trong vấn đề Yemen.
Đáng chú ý, trong cả 2 nhiệm kỳ của mình, chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Obama đã được hưởng lợi lớn từ Saudi Arabia khi cung cấp các dịch vụ quốc phòng cho quốc gia này với trị giá lên tới 115 tỷ USD.
Mặt khác, Chính quyền Mỹ cũng nhận thấy, Saudi Arabia cũng giữ một vai trò không thể thiếu trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
Tuy nhiên, mối quan hệ này đã xuống thấp trong nhiệm kỳ của ông Obama khi Mỹ cố tình gạt Saudi Arabia ra ngoài lề trong hầu hết các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran.
Trong khi đó, Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh luôn xem Iran là thách thức lớn nhất của họ ở khu vực, nên sẽ không phản đối việc Iran bị đưa vào lệnh cấm nhập cư của Mỹ.
Tuy nhiên, bất kỳ việc mở rộng phạm vi hạn chế thị thực đối với các nước trong khối Hợp tác vùng Vịnh (GCC) có thể sẽ kích động một làn sóng phản ứng dữ dội. Đây sẽ là kết quả mà các bên đều không mong muốn và cố gắng tránh.
Hơn thế nữa, Chính quyền Mỹ cho rằng, Saudi Arabia và Khối Hợp tác vùng Vịnh là lựa chọn chính, là đồng minh then chốt của Mỹ nhằm hạn chế tầm ảnh hưởng của Iran và Nga ở Trung Đông.
Chỉ 2 ngày sau khi ban hành sắc lệnh cấm nhập cảnh, Tổng thống Donald Trump đã mời quốc vương Saudi Arabia đến Washington, khẳng định cam kết cùng sát cánh với chính quyền ở Riyadh trong cuộc chiến chống khủng bố. Đây được xem là động thái cân bằng khá tinh tế của ông Trump nhằm đảm bảo mối quan hệ chính trị và kinh tế với các đồng minh của Mỹ ở khu vực.
Được biết, Saudi Arabia đang theo đuổi tầm nhìn kinh tế đến năm 2030, với mục tiêu chấm dứt phụ thuộc hoàn toàn vào khai thác và xuất khẩu dầu. Do vậy, việc đầu tư từ Mỹ và các quốc gia phát triển khác là rất quan trọng đối với quốc gia Trung Đông này.
Việc ông Trump thắng cử Tổng thống được Saudi Arabia và khối Hợp tác vùng Vịnh hoan nghênh, bởi các quốc gia này lệ thuộc lớn vào Mỹ về mặt an ninh. Việc ủng hộ sắc lệnh cấm nhập cư hoặc thể hiện thái độ im lặng có tính toán cho thấy Saudi Arabia đang đầu tư vào mối quan hệ tốt hơn với Mỹ khi mà câu hỏi về đạo luật JASTA (cho phép công dân Mỹ kiện chính phủ Saudi Arabia) vẫn còn là một thách thức lớn, chi phối quan hệ của hai nước trong tương lai./.