SCO đang trở thành một trong các "trụ cột của Trật tự Thế giới mới"
VOV.VN - Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải diễn ra trong 2 ngày tại thành phố Samarkand, Uzbekistan, quy tụ sự tham gia của lãnh đạo 15 quốc gia đã trở thành tâm điểm, thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế.
Trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt, cấm vận đơn phương của phương Tây ngày càng gây ra nhiều bất ổn cho sự phát triển của thế giới, thì Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) hoạt động dựa trên sự đồng thuận ra quyết định, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, được ví như một trong những “trụ cột của Trật tự Thế giới mới”, dần chuyển từ một tổ chức khu vực thành một cấu trúc toàn cầu.
Thượng đỉnh SCO diễn ra trong hai ngày 15-16/09 tại thành phố Samarkand-Uzbekistan, quy tụ sự tham gia của lãnh đạo 15 quốc gia đã trở thành tâm điểm, thu hút sự chú ý của dư luận thế giới.
Theo kết quả, hội nghị đã thông qua tuyên bố chung Samarkand, bao trùm tất cả những vấn đề trên thế giới hiện nay. Đó là cuộc chiến chống khủng bố và tăng cường an ninh; quốc phòng và giải trừ vũ khí hạt nhân trên thế giới; thương mại quốc tế và tiền tệ quốc gia; chiến đấu chống lại đại dịch Covid-19; chống tội phạm và tham nhũng; văn hóa, khoa học và du lịch. Tuyên bố tái khẳng định, SCO “không chống lại các quốc gia khác và các hiệp hội quốc tế, mà sẵn sàng hợp tác rộng rãi trên nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, Hiến chương SCO và luật pháp quốc tế, trên cơ sở xem xét các lợi ích chung và tính thống nhất của các phương pháp tiếp cận để giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu”.
Một trong những kết quả chính khác của hội nghị thượng đỉnh Samarkand là việc mở rộng hợp tác giữa SCO và các quốc gia khác, bao gồm Iran, đã ký một bản ghi nhớ về việc gia nhập tổ chức này. Theo người đứng đầu ngành tại Trung tâm Nghiên cứu Hậu Xô viết của Viện Kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga Elena Kuzmina, SCO đang ngày càng trở nên quan trọng ở Âu-Á. Đặc biệt, việc mở rộng tổ chức thông qua Iran sẽ cho phép phát triển hiệu quả hơn các tuyến vận tải mới trong khu vực. Ngoài ra, sự gia tăng số lượng người tham gia sẽ tạo cơ hội để chủ động đấu tranh chống lại các mối đe dọa toàn cầu như khủng bố.
Tại hội nghị lần này cũng bắt đầu xem xét thủ tục để kết nạp Belarus, đồng thời trao quy chế đối tác đối thoại SCO cho Ai Cập, Qatar, Saudi Arabia.
Chuyên gia Vladimir Petrovsky, Viện Trung Quốc và Châu Á đương đại thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga lưu ý rằng, hai chục quốc gia hợp tác với SCO, bao gồm Azerbaijan, Armenia, Bangladesh, Bahrain, Việt Nam, Israel, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ, cho thấy tầm quan trọng của Tổ chức. Ông chỉ rõ, "vai trò của SCO ngày càng lớn và không chỉ vì việc kết nạp thêm các thành viên mới. Phạm vi trách nhiệm ngày càng mở rộng, ảnh hưởng đến Trung Đông, các quốc gia trong Vịnh Ba Tư".
Theo chuyên gia Petrovsky, điều quan trọng nữa là trong tình hình địa chính trị hiện nay, SCO đã trở thành một giải pháp thay thế cho phương Tây tập thể. “Tổ chức này đã và đang thực hiện một mô hình hợp tác mới dựa trên bình đẳng, các nguyên tắc của một thế giới đa cực và cùng có lợi, nơi không có "sự bức chế của đồng đô la", áp lực trừng phạt. Tại hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo SCO đã thông qua một tài liệu riêng về việc chuyển đổi sang các thanh toán bằng tiền tệ quốc gia. “SCO đang trở thành một trong những “trụ cột của Trật tự Thế giới mới. Chính cuộc sống đã khuyến khích điều này. Và tất nhiên, sức hấp dẫn của SCO sẽ tiếp tục tăng lên.”
Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã chỉ trích chính sách của phương Tây tập thể trên nền tảng quốc tế, theo đó SCO kiên quyết phản đối nỗ lực của các quốc gia và khối riêng lẻ nhằm duy trì một thế giới đơn cực. Ông bày tỏ tin tưởng rằng, “tinh thần Thượng Hải ” và sự hợp tác toàn diện có thể trở thành nền tảng vững chắc cho một nền kiến trúc mới của thế giới,”, “SCO đang dần chuyển từ một tổ chức khu vực thành một cấu trúc toàn cầu.”
Theo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, "các nước thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải phải ngăn chặn các cuộc cách mạng màu do các thế lực bên ngoài chuẩn bị". Theo nghĩa này, SCO có thể đảm nhận các quyền hạn tương tự như Tổ chức hiệp ước về an ninh tập thể CSTO, thậm chí hoạt động cùng với CSTO. Nó cũng giống như khả năng của SCO trong việc chống lại chủ nghĩa khủng bố.
Ngoài ra, hôm 16/9, các nhà lãnh đạo của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đã kêu gọi tất cả các bên liên quan tuân thủ nghiêm ngặt cam kết của thỏa thuận hạt nhân Iran.
Các nhà lãnh đạo của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) nhấn mạnh, tất cả các bên liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Iran cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các nghĩa vụ của mình để thực hiện đầy đủ thỏa thuận. Tuyên bố trên được đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh của SCO vừa diễn ra tại Samarkand, Uzbekistan.
Các quốc gia thành viên SCO nhấn mạnh việc thực hiện nhất quán Kế hoạch Hành động Toàn diện chung về chương trình hạt nhân Iran, theo Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. SCO kêu gọi tất cả các bên tham gia tuân thủ nghiêm ngặt các nghĩa vụ đối với chương trình hạt nhân của Iran, cũng như thực hiện hiệu quả văn kiện này.
Năm 2015, 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức đã đạt được thỏa thuận với Iran nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định rút khỏi thỏa thuận vào tháng 5/2018, đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhất đối với Tehran. Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ hiện tại Joe Biden đã nhiều lần nhấn mạnh ủng hộ việc quay trở lại thỏa thuận này./.