Serbia giải tán quốc hội và sẽ tổ chức bầu cử sớm vào tháng 12
VOV.VN - Ngày 1/11, Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić tuyên bố đã giải tán quốc hội và ấn định ngày tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào ngày 17/12 tới. Đây là lần thứ ba trong gần bốn năm, người Serbia sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội sớm.
Các cuộc bầu cử địa phương sẽ được tổ chức cùng ngày ở một số thành phố bao gồm cả thủ đô Belgrade. Phát biểu trước cuộc bầu cử, Tổng thống Vučić tuyên bố thế giới đang trong giai đoạn khó khăn với những thách thức toàn cầu bao gồm chiến tranh và xung đột hiện tại. Đây là thời điểm tất cả mọi người cần phải đoàn kết để bảo vệ lợi ích sống còn của quốc gia.
Đây cũng là thời điểm khó khăn với Serbia khi chứng kiến sự rạn nứt về chính trị. Các đảng đối lập ủng hộ chủ nghĩa dân chủ đã đoàn kết lại và tổ chức nhiều cuộc biểu tình trong nhiều tuần qua để chống lại tổng thống Vučić và chính phủ của ông. Các cuộc biểu tình bắt đầu ngay sau hai vụ xả súng hàng loạt diễn ra trong vòng chưa đầy 48 giờ vào tháng 5, khiến 17 người chết, trong đó có 8 trẻ em. Phe đối lập cũng đổ lỗi cho tổng thống Vučić vì đã tạo ra sự bất ổn ở quốc gia trong bối cảnh đang tìm kiếm tư cách thành viên Liên minh châu Âu nhưng lại vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với đồng minh truyền thống Nga.
Mặt khác, thông báo tổ chức tổng tuyển cử sớm vào tháng 12 được đưa ra vài ngày sau khi Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Ursula von der Leyen, kêu gọi Serbia công nhận nền độc lập của Kosovo. Chủ tịch Ủy ban châu Âu đã đến thăm Belgrade vào đầu tuần và nhấn mạnh rằng tranh chấp gay gắt giữa Serbia và Kosovo là mối lo ngại lớn đối với EU.
Vào ngày 26 tháng 10, cả Serbia và Kosovo đều không đạt được tiến triển trong các thỏa thuận để bình thường hóa quan hệ dưới sự hậu thuẫn của EU. Nhà lãnh đạo Kosovo Albin Kurti và Tổng thống Serbia Vučić đã đổ lỗi lẫn nhau cho tình trạng bế tắc kéo dài trong các thỏa thuận giữa hai bên.
EU và Mỹ đang thúc ép Kosovo cho phép thành lập Hiệp hội các đô thị có người Serb đa số để điều phối công việc về giáo dục, chăm sóc sức khỏe, quy hoạch đất đai và phát triển kinh tế trong các cộng đồng phía bắc Kosovo, nơi có hầu hết người dân tộc Serb sinh sống. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Kosovo Kurti lo ngại một hiệp hội như vậy sẽ là một bước hướng tới việc tạo ra một nhà nước nhỏ của người Serb với quyền tự chủ rộng rãi trong lòng Kosovo và nhấn mạnh rằng việc chính thức hóa công nhận Kosovo cần phải được ưu tiên hàng đầu.