Siêu bão Milton sắp đổ bộ, Tổng thống Mỹ hủy chuyến công du nước ngoài
VOV.VN - Bão Milton, cơn bão cấp 5 - cấp cao nhất trong thang bão ở Mỹ, dự kiến sẽ đổ bộ vào bờ biển miền Trung Tây của tiểu Florida trong đêm 9/10. Những trận bão liên tiếp, cùng với những hệ lụy nghiêm trọng mà nó gây ra một lần nữa đặt ra bài toán về biến đổi khí hậu mà thế giới cần phải giải quyết.
Sáng 8/10 (theo giờ Mỹ), bão Milton đã giảm từ cấp 5 xuống cấp 4 trên thang cảnh báo 5 cấp, khi còn cách thành phố Tampa, bang Florida khoảng 840 km về phía Tây Nam. Tuy nhiên, cho đến chiều cùng ngày, siêu bão này lại tăng cấp trở lại trong khi di chuyển vào khu vực duyên hải phía Tây Florida.
Dự kiến bão Milton sẽ đổ bộ vào khu vực duyên hải phía Tây Florida trong đêm 8/10 hoặc rạng sáng 9/10 (theo giờ địa phương). Mực nước biển tại nhiều khu vực ở Vịnh Tampa được dự báo sẽ dâng cao từ 3-4,5m trong khi nhiều nơi sẽ có mưa lớn hơn 250mm cùng nguy cơ lũ quét nghiêm trọng đe dọa tính mạng và tài sản của người dân.
Đến nay đã có 5 triệu người dân được kêu gọi sơ tán để đảm bảo an toàn. Hơn 20 hạt tại bang này đã ban bố các lệnh sơ tán bắt buộc và tự nguyện. Nhà chức trách đã huy động khoảng 8 nghìn người, bao gồm cả lực lượng vệ binh quốc gia để ứng phó bão và khắc phục hậu quả thiên tai. Hơn 1.500 chuyến bay đã bị hủy bỏ. Hầu hết các cảng biển ở bang Florida, gồm cả ở Tampa và Sarasota, đã đóng cửa hoặc áp dụng các biện pháp hạn chế hàng hải. Theo Trung tâm Bão quốc gia Mỹ, bão Milton là cơn bão “cực kỳ nguy hiểm”.
Trước tính chất nghiêm trọng của trận bão,Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua đã thông báo hủy chuyến công du đã được lên lịch trước đó tới Đức và Angola, để ở lại giám sát diễn biến của siêu bão Milton. Tổng thống Mỹ nhấn mạnh bão Milton có thể là cơn bão tồi tệ nhất đổ bộ vào Florida trong 1 thế kỷ qua, đồng thời cho hay việc sơ tán khẩn cấp là vấn đề sống còn.
“Điều quan trọng nhất lúc này là mọi người hiện đang ở trên đường đi của Bão Milton. Các bạn hãy lắng nghe thông báo của chính quyền địa phương và tuân thủ các hướng dẫn an toàn. Và nếu bạn đang có lệnh sơ tán, bạn nên sơ tán ngay. Đây không phải là sự cường điệu. Đây là vấn đề sống còn”, ông Biden nhấn mạnh.
Trước đó, nhiều khu vực của nước Mỹ hồi cuối tháng 9 vừa qua đã trải qua những thiệt hai nghiêm trọng của bão Helene, với số người thiệt mạng lên đến 215 và mức thiệt hại kinh tế lên đến hàng tỷ USD.
Trước khi đổ bộ vào Mỹ, bão Milton đã quét qua khu vực bang Yucatan của Mexico, gây ra một số thiệt hại song ở mức hạn chế và khiến nhiều khu vực rơi vào cảnh mất điện. Trong khi trận bão cũng khiến một số tuyến giao thông ở miền Nam Cuba rơi vào cảnh ngập úng.
Những trận bão liên tiếp, cùng với những hệ lụy nghiêm trọng mà nó gây ra một lần nữa đặt ra bài toán về biến đổi khí hậu mà thế giới cần phải giải quyết. Theo tiến sĩ Daniel Gilford, nhà khí hậu học Mỹ, sự gia tăng nhanh chóng của các cơn bão đang ngày càng phổ biến trong một thế giới đang nóng lên. Khi con người làm tăng lượng khí nhà kính trong khí quyển, chủ yếu là do đốt nhiên liệu hóa thạch, sẽ làm tăng nhiệt độ trên khắp hành tinh, từ đó làm tăng hoạt động của các cơn bão.
Ông Daniel Gilford kêu gọi đẩy mạnh các hoạt động chống biến đổi khí hậu: “Con người đã làm thay đổi môi trường mà ở đó các cơn bão như Milton hoạt động. Hệ quả là các trận bão sẽ gây ra thiệt hại cực lớn khi môi trường mà chúng phát triển bị thay đổi. Điều này thực sự đáng lo ngại và sẽ không biến mất. Những tác động và những cơn bão như thế này sẽ còn tồn tại trong một thời gian dài nữa. Nhưng đó không phải là sự kết thúc của câu chuyện. Chúng ta có cơ hội để tạo ra một kết thúc tốt đẹp hơn cho câu chuyện bằng cách cùng nhau giảm thiểu tác động của khí hậu trên khắp hành tinh của chúng ta, bằng cách cùng nhau giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu và ở tất cả các địa phương”.