Số người thiệt mạng do động đất vượt 16.800, Thổ Nhì Kỳ và Syria khó khăn chồng chất
VOV.VN - Theo thông tin ghi nhận tới thời điểm hiện tại, số người thiệt mạng do động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã vượt quá con số 16.800 người. Thảm họa kinh hoàng này đã đẩy nhiều người dân hai nước rơi vào tình cảnh khó khăn chồng chất.
Nỗi lo về những nguy cơ tiềm ẩn sau động đất rình rập từng phút, từng giờ đang khiến nhiều người dân vùng thiên tai đứng trước lựa chọn khó khăn, quyết định rời đi hay ở lại.
Tại tỉnh Kahramanmaras, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ - nơi tâm chấn của trận động đất ngày 6/2, một số người may mắn sống sót dự định tạm rời quê hương bị tàn phá nặng nề để đến nơi trú ẩn an toàn hơn, trong khi vẫn có những người do dự muốn ở lại, chờ đợi tin tức về những người thân đang bị mắc kẹt dưới những đống đổ nát.
Co ro trong chiếc chăn mỏng dưới thời tiết băng giá, ông Ahmet Gazer, ngoài 50 tuổi, đã trải qua hai đêm thức trắng, hầu như không có gì lót dạ trong chiếc lều dựng tạm cùng cháu trai của mình và một vài người hàng xóm. Họ dự định sẽ đến Mersin, một thành phố cảng lớn ở phía Tây Nam, nơi thời tiết ấm áp hơn và có điều kiện sống tốt hơn, được chính quyền địa phương sắp xếp. Mặc dù vậy, thâm tâm ông không muốn rời khỏi mái nhà mà ông đã gắn bó suốt mấy chục năm qua:
"Sau trận động đất, tối nào tôi cũng ngồi quanh đống lửa để sưởi ấm cùng những người hàng xóm của mình. Chúng tôi cùng nhau dựng lều tạm. Cuộc sống của chúng tôi sẽ khó khăn hơn nếu chúng tôi ở lại đây. Chúng tôi chưa thể trở về nhà, vì vậy có lẽ tốt hơn là nên đến Mersin”.
Harun, một người đàn ông khác sống ở ngôi làng lân cận vừa đặt chân tới Mersin, thì lại cho biết tình hình ở đây thậm chí còn tồi tệ hơn nhiều so với những gì mà anh tưởng tượng.
"Thật không may, khi tôi đến đây, tôi thấy những người di cư từ làng lên thành phố còn phải chịu đựng nhiều hơn. Một số đã thiệt mạng trong trận động đất và những người khác vẫn bị mắc kẹt dưới đống đổ nát. Tôi hy vọng họ sẽ được cứu".
Güldür, một cư dân khác nằm trong số những người còn bám trụ tại quê nhà với hy vọng rằng ba thành viên trong gia đình anh may mắn sống sót từ trong đống đổ nát, đó là lý do duy nhất khiến anh lựa chọn ở lại.
"Chúng tôi đã ở đây cả ngày lẫn đêm kể từ trận động đất. Chúng tôi đã chờ đợi, hy vọng họ sẽ được cứu. Chúng tôi sẽ ở lại đây và chờ kết quả".
Không chỉ riêng Güldür, cũng còn nhiều người khác bất chấp nhiệt độ đóng băng trên đường phố, thao thức cho đến 2h sáng mỗi ngày khi lực lượng cứu hộ kết thúc hoạt động tìm kiếm cứu nạn, chỉ để chờ đợi, mong ngóng bất kỳ tin tốt lành nào về người thân mất tích của mình.
Còn với nhiều người dân Syria, chưa kịp quên đi những ký ức kinh hoàng của giao tranh, chiến sự và nghèo đói, gánh nặng tiếp tục đặt lên vai nhiều người dân quốc gia này với những hậu quả thảm khốc từ trận động đất chết chóc vừa qua.
Với nhiều người, trận động đất là cú sốc kinh hoàng mới – thậm chí còn khủng khiếp hơn họ từng phải chịu đựng do chiến sự. Hàng chục tòa nhà trên khắp thành phố Aleppo sụp đổ. Ngay cả cư dân ở những tòa nhà đứng vững vẫn sợ quay trở lại. Nhiều người hiện đang lánh nạn trong các trường học. Một tu viện Cơ đốc giáo Maronite đã tiếp nhận hơn 800 người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em và người già, chen chúc trong các căn phòng chật hẹp.
Tại thị trấn Jandaris, nhiều người dân mất nhà cửa phải ngủ trên ô tô, lều tạm hay thậm chí đốt lửa ngủ ngoài trời. Abu Baker, 27 tuổi cho biết: “Hiện chúng tôi có 4 gia đình cùng ở trong chiếc xe này, nhưng vẫn cảm ơn chúa vì chúng tôi đều an toàn, dù nhà cửa của chúng tôi đều bị động đất tàn phá, không còn ở được nữa”.
Thời gian cứu hộ đang ngày càng thu hẹp lại, vẫn còn đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ sau động đất. Hàng trăm dư chấn được ghi nhận sau động đất, đe dọa gây thêm thiệt hại cho các công trình đã bị tổn hại, tiếp tục là mối hiểm họa khôn lường đối với đội cứu hộ và những người còn sống sót.
Quy mô thiệt hại quá lớn, nỗ lực cứu trợ hạn chế, những người bị ảnh hưởng bởi động đất đang chật vật đối mặt với khủng hoảng về thực phẩm và nơi trú ẩn. Chưa kể, các chuyên gia còn lo ngại con số thương vong sẽ tiếp tục tăng mạnh, đặc biệt khi các nỗ lực cứu hộ vượt quá mốc 72 giờ mà các chuyên gia thảm họa coi là khoảng thời gian có khả năng cứu sống nhiều người nhất./.