Số phận mong manh của nhiều phụ nữ Sri Lanka trong khủng hoảng kinh tế
VOV.VN - Sri Lanka đang phải trải qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử kể từ khi nước này giành độc lập năm 1948 với sự thiếu hụt nghiêm trọng về năng lượng, tài chính và lương thực. Nạn đói hiện hữu khiến số phận nhiều người trở nên “mong manh” hơn.
Chị Nilanthi Gunasekera, 49 tuổi, cầm trên tay nắm cá khô cuối cùng của gia đình - như một lời nhắc nhở về cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất của Sri Lanka trong nhiều thập kỷ qua. Mối quan tâm lớn nhất của chị vào thời điểm này là việc học hành của con cái, nhưng gia đình chị thậm chí không có tiền để mua sách vở cho con:
“Chúng tôi được hỗ trợ 1 bữa ăn kể từ ngày 25 tháng trước. Đó cũng là bữa cuối chúng tôi được ăn 1 bữa mà có thịt”, chị Gunasekera chia sẻ.
Còn chị Chandra Sohari Peiris, 42 tuổi - một chủ cửa hàng ăn uống cho biết, trước đây, gia đình chị chưa bao giờ phải lo lắng về đồ ăn thức uống. Tuy nhiên, hiện nay cửa hàng của gia đình chị phải đóng cửa do cuộc khủng hoảng. Chồng chị - một người làm nghề lái xe kéo cũng bị mất việc, đẩy số phận gia đình chị đối mặt với nạn đói cận kề:
“Trước đó, chồng tôi có thể kiếm được gần 19 đô la Mỹ hàng ngày, nhưng giờ anh ấy phải ở nhà vì không có tiền đổ nhiên liệu. Nếu chúng tôi vay mượn, nó sẽ trở thành một khoản vay lớn. Chúng tôi còn phải nuôi các con và chúng tôi cũng cần phải ăn, nhưng vay mượn sẽ khiến chúng tôi phải mắc nợ cả đời mất”, chị Peiris nói.
Thậm chí, ngay cả những người có công việc thường xuyên như bà Irangani cũng sống trong nỗi lo đứt bữa. Bà là công nhân vệ sinh môi trường. Hiện, bà chỉ được trả việc lương bằng 1/2 so với trước khủng hoảng, nhưng bà vẫn phải nỗ lực làm việc, bởi nếu không bà có thể sẽ bị mất việc, trong bối cảnh luôn có rất nhiều người thất nghiệp sẵn sàng lấp đầy vị trí của bà.
“Tôi đi làm suốt cả buổi với cái bụng đói. Khi tôi trở về, tôi xin một ít cơm để ăn. Vì trong nhà không còn đồ gì nên tôi không thể nấu ăn. Ở nhà, tôi chỉ có một ít đường và không còn thức ăn gì khác. Nếu đi vay tiền, tôi vẫn phải trả, nhưng tôi sợ rằng tôi chẳng thể trả lại nổi”, bà Irangani cho biết.
Theo Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc, trung bình gần 9 trên 10 gia đình ở Sri Lanka đang phải bỏ bữa hoặc phải ăn uống rất tiết kiệm, trong khi khoảng 3 triệu người đang nhận viện trợ nhân đạo khẩn cấp. Theo các dữ liệu chính thức, đồng tiền Sri Lanka hiện mất giá đến 80%, đã làm trầm trọng thêm tỷ lệ lạm phát vốn đã tăng ngoài tầm kiểm soát, trong khi đó giá cả thực phẩm cũng tăng đến 57%.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ của Tổng thống Ranil Wickremesinghe dự kiến sẽ cắt giảm chi tiêu ngân sách quốc gia, bao gồm cả cho lĩnh vực quốc phòng, nhằm chuyển các quỹ phúc lợi và trả lãi cho các khoản vay.
Sri Lanka cũng đang tìm kiếm một gói cứu trợ trị giá hàng tỷ đô la trong các cuộc đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhằm thu hút các đồng minh lớn, từ Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ. Tuy nhiên, để các khoản hỗ trợ tài chính lớn này đến tay người dân vẫn còn mất thêm nhiều tháng nữa. Vì vậy, các giải pháp thắt lưng buộc bụng của người dân Sri Lanka dự kiến sẽ còn tiếp tục kéo dài và sẽ cần thêm nhiều thời gian nữa để người dân Sri Lanka “nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm”./.