Sóng gió bủa vây chính trường Hàn Quốc

VOV.VN - Cáo buộc phe đối lập có âm mưu chống phá nhà nước, Tổng thống Yoon Suk Yeol trong đêm 3/12 bất ngờ ban bố tình trạng thiết quân luật “gây tranh cãi” sau 44 năm. Tuy nhiên, lệnh đã được dỡ bỏ ngay sau vài giờ và phe đối đang kêu gọi ông Yoon từ chức hoặc sẽ phải đối mặt với việc luận tội.

Chính trường Hàn Quốc vừa trải qua một đêm “không yên bình”. Lệnh thiết quân luật được ban bố bất ngờ trong đêm, với nhiều hoạt động triển khai quân diễn ra. Theo hãng tin Reuters, lệnh thiết quân luật cấm mọi hoạt động chính trị, bao gồm hoạt động của quốc hội, đảng phái chính trị, hội họp chính trị, tuần hành và biểu tình.

Tuy nhiên, một phiên họp bỏ phiếu khẩn cấp để bác bỏ lệnh thiết quân luật vẫn diễn ra tại Quốc hội với 190/300 thành viên của cả Đảng cầm quyền và đối lập tham gia, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Woo Won-sik. Tất cả người tham dự phiên họp đã bỏ phiếu tán thành, thông qua nghị quyết yêu cầu dỡ bỏ.

Dựa theo Quy định của Hiến pháp Hàn Quốc, Đảng cầm quyền đã yêu cầu Tổng thống phải dỡ bỏ thiết quân luật và Nội các nước này đã chấp nhận vào lúc 4h30 phút sáng nay (theo giờ địa phương). Tổng thống Hàn Quốc cho biết: “Sau khi Quốc hội yêu cầu dỡ bỏ thiết quân luật, quân đội đã được rút về căn cứ. Tôi sẽ chấp nhận yêu cầu của Quốc hội và dỡ bỏ thiết quân luật thông qua một cuộc họp nội các. Tuy nhiên, tôi yêu cầu Quốc hội ngay lập tức chấm dứt các hoạt động liều lĩnh làm tê liệt chức năng của đất nước thông qua các nỗ lực luận tội liên tục, thao túng luật pháp và ngân sách".

Tuy nhiên, yêu cầu của Tổng thống dường như không được Đảng Dân chủ đối lập chấp thuận. Lãnh đạo đảng này Park Chan Dae cho biết: “Cho dù thiết quân luật có được bãi bỏ, Tổng thống cũng không thể tránh khỏi tội phản quốc. Rõ ràng là Tổng thống đã không thể điều hành đất nước một cách bình thường nữa. Ông ấy nên từ chức ngay lập tức".

Các nhà lập pháp Hàn Quốc đã yêu cầu luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol nếu ông không từ chức. Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, nhiều quan chức cấp cao trong chính phủ Hàn Quốc cũng đang có ý định từ chức. Đáng chú ý, theo Reuters, lãnh đạo Đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền của Hàn Quốc Han Dong-hoon thậm chí còn đề nghị toàn bộ Nội các từ chức, sa thải Bộ trưởng Quốc phòng và khai trừ Đảng đối với Tổng thống Yon Suk Yeol vì quyết định ban bố thiết quân luật.

Nhiều người dân Hàn Quốc đêm qua đã bị sốc trước lệnh thiết quân luật được áp đặt trong vài giờ đồng hồ và có thể “thở phào nhẹ nhõm” khi lệnh được dỡ bỏ. Tuy nhiên, một bộ phận dân chúng nước này đang hưởng ứng lời kêu gọi tuần hành yêu cầu Tổng thống từ chức.

Về phía quốc tế, Mỹ - đồng minh số 1 của Hàn Quốc, cũng đã bị bất ngờ với các diễn biến của chính trường nước này đêm qua. Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận không được thông báo về việc áp đặt thiết quân luật, trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ hi vọng mọi tranh chấp chính trị tại Hàn Quốc sẽ được giải quyết một cách hòa bình và theo đúng pháp luật. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hoan nghênh quyết định hủy bỏ lệnh thiết quân luật của Tổng thống Hàn Quốc, trong khi Đại sứ quán Mỹ tại Seoul khuyến cáo công dân nên tránh xa các khu vực đang diễn ra biểu tình.

Nhật Bản và Nga cho biết đang theo sát mọi diễn biến trên chính trường Hàn Quốc, với sự quan ngại. Bộ Ngoại giao Anh và Đại sứ quán Trung Quốc khuyến cáo công dân tại Hàn Quốc hạn chế đi lại, để đảm bảo an toàn.

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson đã hoãn chuyến thăm theo lịch trình tới Hàn Quốc trong tuần này, cho biết sẽ cùng với giới chức Hàn Quốc  tìm thời điểm mới cho chuyến thăm trong tương lai. Mỹ cũng hoãn các cuộc đàm phán quốc phòng và các cuộc tập trận chung trong tuần giữa hai bên.

Thị trường chứng khoán Hàn Quốc và châu Á đã lao dốc ngay khi mở cửa sáng nay. 

Sóng gió trên chính trường Hàn Quốc diễn ra trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Yoon Suk Yeol ở Hàn Quốc luôn ở mức thấp, khoảng 20% trong nhiều tháng qua. Đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền của ông đã phải chịu thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 4 năm nay, nhường quyền kiểm soát quốc hội cho các đảng đối lập chiếm gần 2/3 số ghế. Tại Hàn Quốc, đã có hơn 10 trường hợp thiết quân luật được ban bố từ khi thành lập nước năm 1948 và lần gần nhất vào năm 1980.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Phe đối lập ở Hàn Quốc nộp đơn đề xuất luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol
Phe đối lập ở Hàn Quốc nộp đơn đề xuất luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol

VOV.VN - Các đảng đối lập ở Hàn Quốc ngày 4/12 đã nộp đơn đề xuất luận tội Tổng thống Yoon Sul Yeol. Việc bỏ phiếu có thể diễn ra trong tuần này.

Phe đối lập ở Hàn Quốc nộp đơn đề xuất luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol

Phe đối lập ở Hàn Quốc nộp đơn đề xuất luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol

VOV.VN - Các đảng đối lập ở Hàn Quốc ngày 4/12 đã nộp đơn đề xuất luận tội Tổng thống Yoon Sul Yeol. Việc bỏ phiếu có thể diễn ra trong tuần này.

Điều gì dẫn tới việc Hàn Quốc thiết quân luật?
Điều gì dẫn tới việc Hàn Quốc thiết quân luật?

VOV.VN - Điều gì đã dẫn đến việc Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol ban bố tình trạng thiết quân luật khẩn cấp ngày 3/12?

Điều gì dẫn tới việc Hàn Quốc thiết quân luật?

Điều gì dẫn tới việc Hàn Quốc thiết quân luật?

VOV.VN - Điều gì đã dẫn đến việc Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol ban bố tình trạng thiết quân luật khẩn cấp ngày 3/12?

Diễn biến việc Tổng thống Hàn Quốc ban bố thiết quân luật
Diễn biến việc Tổng thống Hàn Quốc ban bố thiết quân luật

VOV.VN - Trong một động thái gây bất ngờ, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ngày 3/12 đã ban hành thiết quân luật nhưng cuối cùng lại đảo ngược quyết định chỉ vài giờ sau đó.

Diễn biến việc Tổng thống Hàn Quốc ban bố thiết quân luật

Diễn biến việc Tổng thống Hàn Quốc ban bố thiết quân luật

VOV.VN - Trong một động thái gây bất ngờ, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ngày 3/12 đã ban hành thiết quân luật nhưng cuối cùng lại đảo ngược quyết định chỉ vài giờ sau đó.