"Sóng gió mới" trong quan hệ Nga – Mỹ
VOV.VN - Phía Mỹ đã ngay lập tức bày tỏ thất vọng trước quyết định của Nga cấp quy chế tị nạn tạm thời cho Snowden.
Quyết định của Nga cho phép cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden tỵ nạn tạm thời là một cú đòn giáng vào mối quan hệ vốn đã không dễ dàng giữa Nga và Mỹ.
Phía Mỹ đã ngay lập tức bày tỏ thất vọng trước quyết định của Nga. Tuy nhiên, giới phân tích tại Nga cho rằng đây chỉ là “trò chơi cũ” của 2 nước và “đợt sóng gió” lần này sẽ không quá lớn như nhiều người vẫn tưởng.
Edward Snowden. (Ảnh: facebook) |
Sau 40 ngày bị kẹt tại sân bay Sheremetyevo ở thủ đô Moscow của Nga, đến chiều 1/8, cựu nhân viên CIA Edward Snowden đã rời khỏi khu vực quá cảnh của sân bay, sau khi được giới chức Nga cho phép tỵ nạn tạm thời 1 năm.
Theo hãng tin Itar-tass của Nga, Cơ quan Di trú Liên bang Nga (FMS) đã cấp cho Snowden những giấy tờ cần thiết để được phép lưu trú trên lãnh thổ Nga và cựu nhân viên CIA này hiện đang có mặt trên lãnh thổ liên bang Nga. Luật sư của Snowden, ông Anatoly Kucherena đã xác nhận thông tin này, song không tiết lộ nơi cựu nhân viên CIA đang lưu trú.
Edward Snowden, 29 tuổi, đã tiết lộ nhiều thông tin gây chấn động, trong đó có việc Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) từ năm 2007 đã theo đuổi một chương trình tuyệt mật gọi là PRISM, cho phép cơ quan này và Cục Điều tra Liên bang (FBI) truy cập trực tiếp vào hệ thống máy chủ của các công ty mạng hàng đầu của Mỹ để thu thập thông tin, nghe lén các cuộc điện thoại không chỉ của hàng triệu người Mỹ ở trong nước, cũng như hoạt động Internet của những người Mỹ ở nước ngoài mà còn cả công dân nhiều nước trên thế giới, thậm chí nhiều cơ quan của EU cũng bị theo dõi. Hiện Edward Snowden đang bị chính quyền Mỹ truy nã gắt gao.
Vụ việc này đã phủ bóng đen lên quan hệ giữa Mỹ và nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các đồng minh châu Âu. Với quan hệ Nga-Mỹ, sóng gió đã nổi lên từ khi cựu nhân viên CIA tới Nga và lẩn trốn tại sân bay Sheremetyevo. Song cả Nga và Mỹ trước đó đều khẳng định sẽ không vì vụ Snowden mà làn xấu đi quan hệ giữa 2 nước.
Phát biểu trước báo giới hôm 1/8, sau khi Nga quyết định cấp thị thực tạm thời cho Snowden, Người phát ngôn Nhà trắng Jay Carney nhấn mạnh: “Chúng tôi thất vọng tột độ với quyết định này của chính phủ Nga, khi mà Mỹ đã đưa ra yêu cầu rõ ràng và hợp pháp về việc dẫn độ Snowden về Mỹ để xét xử. Snowden bị cáo buộc tiết lộ thông tin mật và phải đối mặt với 3 tội danh nghiêm trọng. Hành động của Nga sẽ làm xói mòn những thành quả hợp tác thực thi pháp luật giữa 2 nước, sự hợp tác mới được thúc đẩy kể từ sau vụ đánh bom tại Giải Marathon Boston”.
Trả lời câu hỏi liệu vụ Edward Snowden có làm ảnh hưởng tới cuộc gặp giữa Tổng thống Nga và Mỹ bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, tổ chức tại Nga vào tháng 9 tới hay không, Người phát ngôn Jay Carney cho biết, phía Mỹ vẫn đang đánh giá tình hình. Trong khi đó, theo nguồn tin từ quan chức giấu tên Mỹ, cuộc thảo luận cấp cao Nga-Mỹ dự kiến diễn ra tuần tới tại Washington có thể sẽ không thực hiện được.
Bất chấp nhiều nhiều ý kiến cho rằng “sóng to gió lớn” đang nổi lên trong quan hệ Nga-Mỹ, giới chuyên gia của Nga lại không nghĩ như vậy. Theo các nhà phân tích chính trị tại Nga, cú va chạm là không thể tránh khỏi và sẽ khiến quan hệ vốn không hề dễ dàng giữa Nga và Mỹ, tiếp tục sa sút.
Giới phân tích Nga ví đây là “trò chơi cũ” của 2 nước. Mỹ sẽ gây sức ép với Nga để đưa Snowden về nước. Nhà phân tích chính trị của Nga Udo Ulfkotte cho rằng, phản ứng của Mỹ sẽ là cố trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Giới chuyên gia Nga nhận định, quan hệ Nga-Mỹ sẽ không thể xuống xấu hơn mức vốn có, vì lúc này Mỹ cần đến Nga hơn trong hàng loạt vấn đề nóng của thế giới, như chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran và giải quyết khủng hoảng Syria. Đây cũng là lúc Snowden phải biết giữ mồm nếu anh ta không muốn bị trục xuất khỏi Nga.
Cũng giống như Mỹ, Snowden đang cần nước Nga hơn và nếu cựu nhân viên CIA nằm trong tầm quyền soát của chính phủ Nga thì anh ta sẽ không thể gây thêm bất cứ tổn hại nào cho quan hệ Nga-Mỹ./.