Sóng gió trong quan hệ Mỹ và Ai Cập
(VOV) -Quan hệ Mỹ và Ai Cập trở nên lạnh nhạt sau khi ông Mursi thuộc tổ chức Anh em Hồi giáo đắc cử Tổng thống Ai Cập năm 2012.
Ngày 15/1, Chính phủ Mỹ chỉ trích mạnh mẽ bài phát biểu chống Israel mà Tổng thống Ai Cập Mohamed Mursi đưa ra hồi năm 2010 khi còn là Chủ tịch Tổ chức Anh em Hồi giáo. Động thái này cho thấy mối quan hệ ngày càng rạn nứt giữa Mỹ và Ai Cập dưới thời Tổng thống Mursi.
Tổng thống Ai Cập Mohamed Mursi (ảnh: Reuters) |
Ngày 15/1, Chính phủ Mỹ dẫn một cuốn băng ghi hình hồi năm 2010 của Viện nghiên cứu truyền thông Trung Đông có trụ sở tại thủ đô Washington, trong đó ông Mursi lên án chính sách định cư của Israel tại những vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine.
Chính phủ Mỹ cho rằng, đây là những phát biểu thể hiện tư tưởng bài Do thái mà Tổng thống Mursi cần phải rút lại. Theo Người phát ngôn Chính phủ Mỹ Jay Carney, Mỹ muốn Tổng thống Mursi nói rõ với nhân dân Ai Cập và cộng đồng quốc tế rằng ông ấy tôn trọng người dân thuộc tất cả các tôn giáo và những phát biểu như thế này là không thể chấp nhận, phản tác dụng nhất là đối với người đứng đầu một đất nước dân chủ như Ai Cập. Tuy nhiên, ông Carney cũng ngay lập tức thể hiện thái độ xoa dịu cho rằng, ông Mursi đã có những hành động “sửa sai” thông qua những gì ông nói và hành động.
“Kể từ khi đắc cử, Tổng thống Mursi nhiều lần khẳng định cam kết của Ai Cập đối với hiệp ước hòa bình ký kết với Israel, cũng như thể hiện mong muốn làm việc với cộng đồng quốc tế và với Israel về các mục tiêu chung, trong đó có lệnh ngừng bắn tại Dải Gaza hồi năm ngoái”.
Dẫu vậy, theo các nhà phân tích, động thái này của Mỹ đã cho thấy chính sách ngoại giao 2 mặt của Mỹ đối với Ai Cập. Người Mỹ vừa muốn có những động thái răn đe thể hiện vai trò của mình, lại vừa không muốn mất đi một trong những đồng minh quan trọng tại khu vực.
Trên thực tế quan hệ Mỹ và Ai Cập đã trở nên lạnh nhạt sau khi ông Mursi thuộc tổ chức Anh em Hồi giáo đắc cử Tổng thống Ai Cập hồi năm 2012. Ngay sau khi lên nhậm chức, ông Mursi đã có một loạt bước đi cho thấy, Mỹ giờ chỉ là một trong những lựa chọn chứ không còn là lựa chọn duy nhất của họ như trước đây nữa. Minh chứng rõ nhất là việc chấp thuận 2 tỷ USD viện trợ từ Qatar để nước này qua mặt Mỹ, trở thành “mạnh thường quân” lớn nhất cho Ai Cập hay chọn Trung Quốc và Iran là điểm đến đầu tiên cho chuyến thăm chính thức cấp nhà nước đầu tiên. Chính vì thế theo các nhà phân tích, mặc dù bề ngoài Mỹ và Ai Cập đều thể hiện mong muốn thúc đẩu quan hệ, song cả hai bên đều nhận thức rõ rằng quan hệ Mỹ-Ai Cập trong tương lai sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ cọ xát./.