"Sóng lớn" trên chính trường Nhật Bản

(VOV) - Sự chia rẽ trong Đảng Dân chủ cầm quyền, sự suy giảm uy tín của Chính phủ đã khiến dân Nhật Bản chán nền chính trị của nước mình.

Ngày 14/11, Thủ tướng Yoshihiko Noda đã bất ngờ tuyên bố sẽ giải tán Hạ viện vào ngày 16/11 tới. Cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn dự kiến sẽ diễn ra sau đó đúng một tháng, tức ngày 16/12. Quyết định gây bất ngờ này cho thấy Thủ tướng Noda đã quyết dấn thân vào “canh bạc” mạo hiểm này.

Thủ tướng Noda trả lời câu hỏi trước Nghị viện Nhật Bản hôm 14/11
(Ảnh: Sipa Press)

Vì sao lại quyết định nhanh như vậy?

Giải tán Hạ viện trong tương lai gần và tiến hành bầu cử trước thời hạn là điều mà Thủ tướng Noda đã cam kết vào tháng 8 để đổi lấy việc phe đối lập đồng ý ủng hộ dự luật tăng thuế tiêu thụ gây tranh cãi. Thủ tướng Noda luôn tự đề cao sự minh bạch của mình. Các nguồn tin thân cận của Thủ tướng Noda cho biết ông rất ghét bị gọi là “kẻ nói dối”. Do đó quyết định giải tán Hạ viện để thực hiện cam kết cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là lý do gì khiến Thủ tướng Noda đột ngột tuyên bố sẽ giải tán Hạ viện một cách gấp gáp như vậy. Theo giới phân tích chính trị có thể có các lý do sau.

Thứ nhất, phe đối lập trong thời gian gần đây đã gây sức ép để buộc Thủ tướng Noda giải tán Hạ viện vào ngày 22/11. Với việc tuyên bố giải tán Hạ viện sớm hơn 4 ngày tại buổi tranh luận giữa chủ tịch các chính đảng được truyền hình trực tiếp trên cả nước, Thủ tướng Noda dường như muốn tạo ấn tượng với người dân rằng ông là người chủ động trong “cuộc chơi chính trị” này.

Thứ hai, Thủ tướng Noda đã đưa việc cắt giảm số nghị sĩ quốc hội thành điều kiện để giải tán Hạ viện. Đây cũng là một trong các cam kết được đưa ra trong cương lĩnh tranh cử của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 2009 vốn đưa đảng này lên nắm quyền. Với động thái này, Thủ tướng Noda cho thấy ông và Đảng Dân chủ luôn là người thực hiện đúng cam kết với người dân.

Thứ ba, với việc giải tán Hạ viện và tổ chức bầu cử sớm, Đảng Dân chủ có thể tránh được mối lo về một lực lượng chính trị mới trên chính trường Nhật Bản. Hiện ở Nhật Bản có hai đảng mới được thành lập là Đảng Hội Duy Tân Nhật Bản của Thị trưởng thành phố Osaka Toru Hashimoto và Đảng Thái Dương của nguyên Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara. Hai đảng này được coi là làn gió mới thổi vào nền chính trị già nua của Nhật Bản và hứa hẹn trở thành lực lượng chính trị thứ ba bên cạnh hai Đảng lớn là Đảng Dân chủ cầm quyền và Đảng Dân chủ Tự do đối lập. Một cuộc bầu cử chỉ sau một tháng nữa sẽ khiến hai đảng mới này không kịp chuẩn bị để trở thành một thế lực có thể cạnh tranh với hai đảng lớn.

Ngoài ra, còn một lý do nữa có thể là, thời gian gần đây, trong nội bộ Đảng Dân chủ cầm quyền đang xuất hiện làn sóng đòi hạ bệ Thủ tướng Noda khỏi chức Chủ tịch đảng. Làn sóng này xuất hiện sau khi Thủ tướng Noda đưa dự luật tăng thuế tiêu thụ được thông qua tại quốc hội. Điều này dẫn đến việc rời bỏ đảng của hơn 50 nghị sĩ là đảng viên Đảng Dân chủ.

Việc giải tán Hạ viện chỉ 2 ngày sau khi tuyên bố có thể là cách để phe đòi hạ bệ Thủ tướng Noda trong nội bộ Đảng Dân chủ không kịp trở tay.

Những kịch bản tiếp theo

Có thể nói Đảng Dân chủ cầm quyền đang rơi vào tình cảnh chia rẽ và có nguy cơ tan vỡ. Cựu Thủ tướng Hatoyama bày tỏ khả năng rời bỏ đảng sau khi Thủ tướng Noda tuyên bố giải tán Hạ viện vào ngày mai (16/11). Hai nghị sĩ của Đảng Dân chủ là Makoto Yamazaki và Yoshitada Tomioka cũng đã nộp đơn xin ra khỏi đảng vào sáng 15/11.

Cộng với sự ra đi trước đó của hơn 50 nghị sĩ, Đảng Dân chủ đang đứng trước giai đoạn khó khăn nhất từ khi lên nắm quyền cách đây hơn 3 năm. Hơn nữa, tỷ lệ ủng hộ nội các của Thủ tướng Noda cũng như tỷ lệ ủng hộ Đảng Dân chủ đã xuống mức thấp nhất từ trước đến nay. Do đó, Đảng Dân chủ khó có thể có được một chiến thắng ngoạn mục như trong cuộc bầu cử năm 2009. Thậm chí, không ít ý kiến bi quan cho rằng Đảng Dân chủ hầu như không có cơ may chiến thắng.

Tuy nhiên, ngay bản thân Đảng Dân chủ Tự do, đảng đối lập lớn nhất cũng không khá gì hơn khi tỷ lệ ủng hộ chỉ hơn Đảng Dân chủ cầm quyền một vài phần trăm. Các cuộc điều tra dư luận gần đây cho thấy hiện không có đảng nào tỏ ra vượt trội trong việc giành được sự ủng hộ của dân chúng.

Vì vậy, kịch bản nhiều khả năng có thể xảy ra là sẽ không có đảng nào giành được đa số ghế tại Hạ viện. Khi đó, các đảng sẽ phải tìm cách liên minh với nhau để hình thành liên minh cầm quyền và liên minh đối lập. Nhưng hiện tại khó có thể nói Đảng Dân chủ hay Đảng Dân chủ Tự do sẽ nằm trong liên mình cầm quyền sau bầu cử.

Một yếu tố khiến diễn biến trên chính trường Nhật Bản khó đoán trước là sự nổi lên của hai đảng mới. Theo thông tin mới nhất, hai đảng mới là Đảng Hội Duy tân Nhật Bản và Đảng Thái Dương sẽ tổ chức họp chủ tịch hai đảng vào ngày 16/11 để bàn về khả năng sát nhập. Ngoài ra, nhiều khả năng sẽ có hai đảng nhỏ khác sẽ sáp nhập với hai đảng mới này.

Nếu điều này được thực hiện, đây sẽ là một thế lực chính trị đáng kể ở Nhật Bản. Mặc dù không có nhiều thời gian chuẩn bị cho bầu cử nhưng với tâm lý chán ngán nền chính trị hiện nay của người dân Nhật Bản, thế lực chính trị mới này có thể giành được nhiều lá phiếu của cử tri.

Canh bạc mạo hiểm của Thủ tướng Noda

Sẽ là không quá khi nói rằng Thủ tướng Noda đang một lần nữa đặt cược sinh mạng chính trị của mình vào cuộc bầu cử sắp tới. Lần đặt cược trước là khi ông quyết tâm thông qua dự luật tăng thuế tiêu thụ bằng mọi giá. Và trên thực tế cái giá phải trả không phải là nhỏ khi hơn 50 nghị sĩ của Đảng Dân chủ từ bỏ đảng. Nhưng dù sao Thủ tướng Noda cũng đã đạt được mục tiêu của mình.

Theo các nhà phân tích chính trị, cuộc bầu cử lần này sẽ là một canh bạc rủi ro hơn nhiều khi mà cơ may cho Thủ tướng Noda trở nên ít hơn bao giờ hết. Ngay sau Thủ tướng Noda tuyên bố sẽ giải tán Hạ viện vào ngày 16/11, tờ Washinton Post của Mỹ đã dự báo rằng Thủ tướng Noda và Đảng Dân chủ sẽ phải rời khỏi chiếc ghế chính quyền.

Nhưng dự báo chỉ là dự báo. Trong một nền chính trị mà quá nửa cử tri không còn biết chọn mặt gửi tên cho ai thì kết quả bầu cử sẽ phụ thuộc khá nhiều vào cuộc vận động tranh cử sắp tới.

Nếu Thủ tướng Noda chiến thắng trong “canh bạc một mất một còn” này, ông sẽ trở thành người hùng của Đảng Dân chủ. Không chỉ có vậy, ông sẽ phá vỡ cái “dớp” của 6 đời thủ tướng gần đây khi chỉ tại vị được trên dưới 1 năm. Với ý nghĩa đó, Thủ tướng Noda có thể được người dân Nhật Bản ghi nhận khi đem đến sự ổn định cho chính trường Nhật Bản vốn đầy biến động./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tỷ lệ ủng hộ Nội các Nhật Bản xuống mức thấp nhất
Tỷ lệ ủng hộ Nội các Nhật Bản xuống mức thấp nhất

(VOV) - Tỷ lệ ủng hộ Nội các của Thủ tướng Noda chỉ còn 25,2%, giảm hơn 4% so với tháng 10/2012.

Tỷ lệ ủng hộ Nội các Nhật Bản xuống mức thấp nhất

Tỷ lệ ủng hộ Nội các Nhật Bản xuống mức thấp nhất

(VOV) - Tỷ lệ ủng hộ Nội các của Thủ tướng Noda chỉ còn 25,2%, giảm hơn 4% so với tháng 10/2012.

Nhật Bản thành lập chính đảng mới
Nhật Bản thành lập chính đảng mới

(VOV) -Đảng mới mang tên "Đảng Mặt trời" (POS) và bao gồm toàn bộ 5 thành viên đảng bảo thủ đối lập Bình minh Nhật Bản.

Nhật Bản thành lập chính đảng mới

Nhật Bản thành lập chính đảng mới

(VOV) -Đảng mới mang tên "Đảng Mặt trời" (POS) và bao gồm toàn bộ 5 thành viên đảng bảo thủ đối lập Bình minh Nhật Bản.

Thủ tướng Nhật Bản nhắc lại cam kết bầu cử sớm
Thủ tướng Nhật Bản nhắc lại cam kết bầu cử sớm

(VOV)_Thủ tướng Noda yêu cầu các đảng đối lập hợp tác để sớm thông qua các dự luật, mở đường cho cuộc bầu cử trước thời hạn.

Thủ tướng Nhật Bản nhắc lại cam kết bầu cử sớm

Thủ tướng Nhật Bản nhắc lại cam kết bầu cử sớm

(VOV)_Thủ tướng Noda yêu cầu các đảng đối lập hợp tác để sớm thông qua các dự luật, mở đường cho cuộc bầu cử trước thời hạn.

Nhật Bản có thể giải tán Hạ viện ngay trong tuần này
Nhật Bản có thể giải tán Hạ viện ngay trong tuần này

(VOV) -Với tuyên bố trên, dự báo tình hình chính trường Nhật Bản có thể chứa đựng nhiều yếu tố bất ngờ trong những ngày tới.

Nhật Bản có thể giải tán Hạ viện ngay trong tuần này

Nhật Bản có thể giải tán Hạ viện ngay trong tuần này

(VOV) -Với tuyên bố trên, dự báo tình hình chính trường Nhật Bản có thể chứa đựng nhiều yếu tố bất ngờ trong những ngày tới.