Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ, vì đâu nên nỗi?
VOV.VN - Sau nhiều năm vay nợ hàng tỷ USD từ nước ngoài, Sri Lanka đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất kể từ khi giành độc lập năm 1948.
Khi du lịch mang về tới 475 triệu USD vào tháng 12/2018, Sri Lanka từng kỳ vọng ngành công nghiệp không khói có thể giúp nước này trang trải các khoản nợ nước ngoài.
Nhưng một loạt các vụ đánh bom liều chết hồi đầu năm 2019 cùng đại dịch COVID-19 đã "bóp chết" hy vọng này.
Nguồn thu ngoại tệ hàng đầu bị cạn kiệt, Sri Lanka vật vã xoay sở trong đống nợ lên tới hàng chục tỷ USD.
Nợ chồng nợ
Theo Reuters, quốc gia Nam Á hiện nợ khoảng 12,55 tỷ USD dưới dạng trái phiếu chính phủ quốc tế (ISB), chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nợ nước ngoài khoảng 35 tỷ USD tính đến năm 2021.
Hồi tháng 2, quốc đảo 20 triệu dân cho biết nước này còn 2,31 tỷ USD dự trữ ngoại tệ trong khi số nợ mà họ phải trả trong riêng năm nay là 4 tỷ USD.
Lạm phát của Sri Lanka chạm mốc mức kỷ lục 17,5% vào tháng 2/2022.
Trong bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Rajapaksa thừa nhận Sri Lanka dự kiến thâm hụt thương mại 10 tỷ USD trong năm nay và “tình hình sẽ tiếp tục vì những lý do ngoài tầm kiểm soát” mặc dù chính phủ của ông đang “nỗ lực tối đa”.
"Với một quốc gia nặng về nhập khẩu năng lượng, lương thực, hàng hóa thiết yếu và dược phẩm như Sri Lanka, mức dự trữ ngoại tệ 2,31 tỷ USD là một cơn ác mộng", Seshadri Chari, nhà phân tích chính sách đối ngoại và chiến lược của Ấn Độ nhận định.
Không còn ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa thiết yếu, người dân thường xuyên phải sống trong cảnh mất điện, thiếu thốn đồ dùng sinh hoạt hàng ngày.
Quá bất mãn với chính phủ, các đám đông đổ ra đường biểu tình phản đối, kêu gọi Tổng thống Rajapaksa từ chức. Các cuộc biểu tình từ ôn hòa, nhanh chóng trở nên bạo lực khiến quốc gia vốn đã khó khăn về kinh tế nay lại chìm trong chuỗi ngày bất ổn.
Các cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị về Sri Lanka thổi bùng lên các tranh cãi về núi nợ mà đảo quốc này đang gánh.
Những nghi ngờ về khả năng trả nợ của Sri Lanka bắt đầu xuất hiện từ năm 2018 khi nước này chấp nhận cho đối tác Trung Quốc thuê lại cảng Hambantota trong 99 năm để giảm áp lực tài chính.
Theo thống kê của Guardian, Bắc Kinh chiếm khoảng 10% trong 35 tỷ USD nợ nước ngoài của Sri Lanka tính đến tháng 4/2021. Nếu tính thêm cả các khoản nợ của công ty quốc doanh và ngân hàng trung ương, con số này có thể lên tới 5 tỷ USD.
Phần lớn số tiền Colombo vay từ Bắc Kinh là để phục vụ cho việc xây dựng loạt cơ sở hạ tầng trong nước. Tuy nhiên, thứ người dân Sri Lanka phẫn nộ là nhiều công trình trong số này gần như bỏ không, không tạo ra lợi nhuận dẫn đến tình cảnh lãi mẹ đẻ lãi con.
Điều này khiến Sri Lanka rơi vào cảnh tiếp tục vay Trung Quốc các khoản nợ mới để trả nợ cũ.
"Chính phủ Rajapaksa lẽ ra nên dẹp bỏ một số dự án hạ tầng với phí quản lý nợ cao nhưng mức thu lợi nhuận thấp do Trung Quốc đầu tư", ông Chari nhận định.
Hồi tháng 1, vài tuần sau tuyên bố bày tỏ mong muốn Bắc Kinh giãn nợ, Tổng thống Rajapaksa có cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh để tái cấu đề nghị tái cấu trúc nợ.
Sau cuộc gặp, Trung Quốc đồng ý hỗ trợ cho Sri Lanka hơn 2,5 tỷ USD nhưng tới nay vẫn không hề đề cập tới việc sẽ điều chỉnh lại các khoản vay cho quốc gia Nam Á.
Kể cả trong tuyên bố đưa ra hôm 12/4, Bắc Kinh khẳng định sẽ làm hết sức để giúp Sri Lanka, song cũng không đả động gì tới đề nghị giãn nợ của Colombo.
"Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Trung Quốc và Sri Lanka đã luôn ủng hộ và thấu hiểu lẫn nhau. rung Quốc đang và sẽ làm hết sức mình để giúp Sri Lanka cải thiện điều kiện kinh tế, xã hội", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết.
Tuyên bố này được đưa ra không lâu sau khi Đại sứ Sri Lanka tại Trung Quốc Palitha Kohona bày tỏ tin tưởng Trung Quốc sẽ thông qua khoản hỗ trợ tài chính trị giá 2,5 tỷ USD trong bối cảnh nước này tuyên bố vỡ nợ ngày 12/4.
Cũng theo ông Kohona, Sri Lanka hy vọng sẽ nhận được 1 tỷ USD từ Trung Quốc để trả các khoản nợ vay Bắc Kinh tới hạn vào tháng 7 tới.
Tìm kiếm các cứu cánh
Ngoài Trung Quốc, Sri Lanka cũng tìm cách giãn nợ từ Ấn Độ.
Nhưng giống như Bắc Kinh, New Delhi chỉ đồng ý tăng hạn mức tín dụng để Sri Lanka mua thêm hàng hóa.
Theo các chuyên gia, Trung Quốc hay các bên cho vay khác không tạo ra thách thức kinh tế với Sri Lanka.
Vấn đề của quốc gia này là vay đã tay nhưng lại không tính tới các phương án trả nợ hợp lý. Cùng với đó là chính sách quản lý tài chính yếu kém, tác động từ đại dịch COVID-19 với ngành du lịch, chi tiêu của chính phủ ở mức cao và việc cắt giảm thuế.
"Mọi yêu cầu vay đều xuất phát từ Sri Lanka, một nước độc lập và có chủ quyền, tự quyết định điều kiện vay, đầu tư và xây dựng dự án theo ý họ. Bài toán nợ của bên vay không thể là trách nhiệm của bên cho vay", chuyên gia Antara Ghosal Singh, thuộc Quỹ Nghiên cứu Observer (ORF) tại New Delhi cho hay.
Hiện tại, Sri Lanka phải tìm tới cả các nước nghèo hơn cả mình như Bangladesh, đề nghị mở hạn mức tín dụng nhằm mua nhiên liệu và sữa bột. Sri Lanka cũng đề nghị dùng lá trà để mua dầu mỏ từ Iran.
Vào tuần tới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ thảo luận với Sri Lanka về chương trình cho vay nhằm giúp quốc gia này vượt qua khủng hoàng.
Nhưng trước khi các bên ngồi xuống trao đổi, các bác sĩ tại Sri Lanka cảnh báo cuộc khủng hoảng y tế tại nước này vẫn đang diễn ra trong bối cảnh cạn kiệt thuốc men, dụng cụ y tế./.