Sự thật đen tối sau cái chết của hơn 400 người vụ giáo phái tuyệt thực ở Kenya
VOV.VN - Lớp đất đỏ trong khu rừng Shkahola đã hé lộ những bí mật khủng khiếp sau khi số người thiệt mạng trong vụ giáo phái tuyệt thực ở Kenya đã vượt quá 400
Hơn 400 người chết vụ giáo phái tuyệt thực ở Kenya
Số người thiệt mạng trong vụ giáo phái tuyệt thực ở Kenya đã vượt quá 400 giữa bối cảnh 12 thi thể tiếp tục được tìm thấy ngày 17/7. Những người này được cho là đi theo một mục sư - người yêu cầu họ nhịn ăn đến chết để được gặp Chúa.
Mục sư Paul Mackenzie, người có liên quan đến vụ tuyệt thực trong rừng ở Malindi, Kenya đã bị cảnh sát bắt giữ cùng 36 đối tượng tình nghi.
Ủy viên vùng duyên hải Kenya Rhoda Onyancha ngày 17/7 cho biết số người thiệt mạng đã tăng lên 403 và 95 người đã được cứu.
Mục sư Paul Mackenzie bị cáo buộc ra lệnh cho các tín đồ tại Nhà thờ Quốc tế Tin lành nhịn ăn cho đến chết. Ông đã phủ nhận về bất kỳ hành vi sai trái nào.
Các điều tra viên đã tìm thấy thêm các ngôi mộ ở rừng Shakahole ở phía Đông Kenya, nơi mà các nạn nhân đầu tiên được phát hiện ngày 13/4. Một số người đã chết trong khi số khác còn sống nhưng trong tình trạng sức khỏe yếu.
Theo giám định pháp y, chết đói dường như là nguyên nhân tử vong chính nhưng một số nạn nhân, trong đó có trẻ em đã bị bóp cổ, đánh đập và làm cho ngạt thở. Mackenzie đã bị cảnh sát bắt giữ từ tháng 4. Việc giam giữ được gia hạn thêm 1 tháng ngày 3/7 để chờ điều tra. Các công tố viên cho biết ông đối mặt với tội danh khủng bố và diệt chủng.
Niềm tin cứu rỗi biến thành cái chết đau lòng
Theo các điều tra viên, giáo phái của Mackenzie đang chuẩn bị cho sự kết thúc của thế giới dưới sự hướng dẫn của mục sư này. Những tín đồ của giáo phái tin rằng nhin đói sẽ là tấm vé giúp họ được cứu rỗi linh hồn.
Thông tin về những ngôi mộ tập thể đã thống trị các mặt báo và làm rung chuyển Kenya - nơi mà niềm tin và tôn giáo là trung tâm.
Nhiều người cảm thấy khó hiểu trước con đường đen tối mà mục sư Paul Nthenge Mackenzie đã dẫn dắt các tín đồ của ông ta đi theo. Tuy nhiên, xu hướng này không còn xa lạ với các chuyên gia và nhà tâm lý học nghiên cứu về các giáo phái cực đoan. Họ cho rằng vụ "Thảm sát rừng Shakahola" là minh chứng cho thấy sự cuồng giáo trong quá khứ và hiện tại.
Ở Kenya có một câu nói, nếu bạn mất việc, hãy bắt đầu mở nhà thờ hoặc một tổ chức từ thiện. Vào khoảng đầu những năm 2000, Mackenzie đã bỏ công việc tài xế taxi để thành lập Nhà thờ Quốc tế Tin Lành. Ông được biết đến với những bài thuyết giáo mạnh mẽ và gay gắt.
Theo một người từng là trợ lý làm việc cho mục sư này: "Lúc đầu, nhà thờ hoạt động tốt và không có vấn đề gì. Các bài thuyết giáo vẫn có nội dung bình thường nhưng từ năm 2010, những thông điệp về "thời điểm kết thúc" của ông ấy đã bắt đầu. Việc này xảy ra theo từng bước một".
Người này cho biết, Mackenzie đã yêu cầu các tín đồ cho con cái họ nghỉ học, bỏ căn cước công dân, tránh xa bệnh viện và bắt đầu chuẩn bị cho sự kết thúc của thế giới.
Trong một phiên tòa gần đây, ông ta đã phủ nhận việc có liên quan đến những điều kinh khủng đã xảy ra ở rừng Shakahola.
"Tôi không có gì để nói về điều đó. Bởi vì tôi bị giam giữ 2 tháng nay. Tôi không biết điều gì đang diễn ra ngoài kia", mục sư này nói.
Khi được hỏi về các cáo buộc rằng những tín đồ trong giáo phái đã để con cái nhịn đói đến chết theo các chỉ dẫn của ông, Mackenzie nói ông ta "chưa bao giờ nhìn thấy bất kỳ ai chết đói".
Mục sư này và các tín đồ thân cận nhất của ông ta vẫn bị giam giữ kể từ khi các ngôi mộ tập thể được phát hiện mặc dù họ chưa bị kết tội bởi các công tố viên yêu cầu tòa án mở rộng thời giam giam giữ để điều tra thêm.
Theo chuyên gia Rick Ross, để hiểu về vụ thảm sát trong rừng Shakahola cần tập trung vào Mackenzie.
"Điều cần tập trung không phải là nhóm này mà là người lãnh đạo. Họ càng có nhiều quyền lực thì càng có khả năng thao túng".
Chuyên gia này đã chỉ ra điểm chung của các lãnh đạo những nhóm giáo phái cực đoan là ham muốn kiểm soát.
"Tôi có cảm giác rằng Mackenzie cũng vậy. Ông ta là người mà dù có quyền lực và kiểm soát các tín đồ của mình bao nhiêu thì điều đó vẫn không bao giờ đủ".
Mackenzie đã thực hiện điều đó bằng cách sử dụng các linh mục và những bài diễn thuyết tại nhà thờ ở Malindi cũng như qua các hình thức trực tuyến.
"Hãy nhìn những điều sẽ xảy ra với tất cả quốc gia trên thế giới này. Giận dữ, thất vọng và nhiều điều khác, nhiều thảm họa sẽ khiến con người khóc trong vô vọng. Đó là điều sẽ bao phủ thế giới", Mackenzie nói với các tín đồ vào đầu năm 2020 trong một bài thuyết giáo gần 3 tiếng. Những phát ngôn của ông ta đã có tác động. Agnes - một tín đồ của giáo phái cùng nhiều người khác đã bỏ học. Agnes cho biết cô đã cạo đầu, tuân theo một đám cưới do nhà thờ sắp xếp và sau đó đưa cả gia đình vào rừng.
Geoffrey Wango, Giáo sư tâm lý học tại Đại học Nairobi cho rằng điều trớ trêu là những giáo phái cực đoan cho nhiều người hy vọng.
"Giải thích điều này theo tâm lý học rất đơn giản. Các lãnh đạo giáo phái cho họ hy vọng, hứa hẹn và tìm kiếm các mục tiêu dễ dàng".
Trong trường hợp của Mackenzie, ông cho rằng hy vọng là một trong những thứ cứu rỗi và đưa họ quay lưng với những áp lực của cuộc sống hàng ngày. Theo ông, nghèo đói là lý do quan trọng khiến nhiều người dân Kenya tìm đến những người thuyết giáo cực đoan.
"Mọi người tìm cách thoát khỏi đói nghèo và tuyệt vọng. Và ở đây, tôn giáo cho họ lối thoát đó".
Chuyên gia Ross thì cho rằng, các giáo phái cực đoan thường lợi dụng những điểm yếu của con người.
"Đó có thể là bất kỳ ai nhưng nếu ai đó trải qua khoảng thời gian khó khăn trong cuộc đời mình, mất việc, có kết quả không tốt ở trường học hoặc gặp khó khăn về tài chính, họ sẽ cảm thấy chán nản. Khi đó, một nhóm như vậy sẽ xuất hiện và trở nên rất cám dỗ".
Những người cao tuổi sống gần khu rừng phát hiện ra các ngôi mộ tập thể cho biết, những đứa trẻ bị bỏ đói đã trốn khỏi khu rừng sớm nhất là vào cuối năm ngoái. Tổng thống William Ruto và giới chức Kenya đã xin lỗi người dân vì phản ứng chậm trễ, đồng thời cam kết sẽ đặt ra các quy định tôn giáo. Tổng thống sau đó đã ra lệnh thành lập ủy ban điều tra về vụ việc và lực lượng đặc nhiệm để đánh giá hệ thống quy định quản lý các tổ chức tôn giáo ở quốc gia này.