Sửa đổi Hiến pháp Thái Lan: Còn nhiều mâu thuẫn
Sau khi thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva đề cập việc sửa đổi Hiến pháp và ân xá cho các chính trị gia bị cấm hoạt động chính trị, ngay lập xuất hiện nhiều luồng dư luận về vấn đề này, cả ủng hộ và không ủng hộ.
Nhìn chung các đảng tham gia liên minh Chính phủ có phản ứng tích cực đối với việc sửa đổi Hiến pháp. Thứ trưởng Bộ Nội vụ và là Phó Chủ tịch Đảng Tự hào nước Thái - đảng liên minh đứng thứ hai trong Chính phủ sau Đảng Dân chủ cho rằng, ban lãnh đạo đảng đồng ý với việc sửa đổi Hiến pháp. Trong đó nhấn mạnh đến 6 điểm: Thượng nghị sĩ phải qua bầu cử; sửa đổi điều 190 và 237 của Hiến pháp quy định chỉ tước quyền bầu cử của những người gian lận bầu cử… Ông này không tán thành việc ban hành luật ân xá với lý do Luật ân xá dành cho tất cả mọi đối tượng không phải chỉ dành riêng cho một nhóm người nào .
Về vấn đề này, Thủ tướng Abhisit Vejjajiva với tư cách Chủ tịch Đảng Dân chủ cho biết chưa có kết luận về việc sẽ sửa đổi điều nào trong Hiến pháp và “cần phải bàn bạc về thời gian và lý do sửa đổi Hiến pháp”
Đảng đối lập Vì nước Thái cũng hưởng ứng việc sửa đổi Hiến pháp. Hạ nghị sĩ phụ trách luật pháp của đảng này cho biết, Đảng Vì nước Thái đề nghị bỏ các điều khoản có trong Hiến pháp năm 2007 mà Hiến pháp năm 1997 không có, việc bỏ điều 309 của Hiến pháp sẽ không còn ảnh hưởng đến các vụ án của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Tuy nhiên, cũng có nhiều luồng dư luận lo lắng việc sửa đổi Hiến pháp sẽ tạo thêm mâu thuẫn. Nhóm 40 Thượng nghị sĩ kêu gọi Chính phủ không nên sửa đổi Hiến pháp vào thời điểm này. Nhóm này cho rằng nên sử dụng Hiến pháp mới được ban hành năm 2007 để tìm ra những thiếu sót cần bổ sung, đồng thời lo lắng việc sửa đổi này có thể dẫn đến biểu tình ủng hộ hoặc phản đối.
Cựu lãnh đạo cơ quan Tổng thư ký Hội đồng an ninh quốc gia, ông Somjet Boonthanom cho rằng việc sửa đổi Hiến pháp năm 2007 phù hợp với tình hình từng giai đoạn là cần thiết, nhưng cần phải cân nhắc đến việc sửa đổi cái gì, việc sửa đổi phải được sự nhất trí của người dân và vì lợi ích của tập thể.
Về việc có thể ân xá cho các chính trị gia bị cấm hoạt động 5 năm nhằm giảm mâu thuẫn chính trị hiện nay, ông Boonthanom cho biết việc ân xá là điều tốt nhưng chỉ ân xá cho những người “ăn năn hối cải”.
Liên minh nhân dân vì dân chủ (PAD) phản ứng gay gắt với việc ân xá các chính trị gia. Lãnh đạo chủ chốt của tổ chức này, ông Somsak Kosaikuk cho biết PAD không đồng tình với Chính phủ về việc đề xuất ý tưởng ân xá. Hiến pháp năm 2007 đã được đại đa số người dân ủng hộ vì vậy phải lấy ý kiến người dân trước khi sửa đổi. Nếu Chính phủ thúc đẩy ý tưởng này, PAD sẽ phải tiếp tục phản đối .
Trả lời phỏng vấn báo giới ngày 23/4, Chủ tịch Hội đồng cơ mật Prem Tinsulanonda bày tỏ tin tưởng Thủ tướng Abhisit có thể mang lại ổn định cho đất nước .
Điều 237, Hiến pháp Thái Lan quy định, nếu thành viên lãnh đạo một đảng nào đó bị tước quyền bầu cử do gian lận thì ban lãnh đạo của đảng đó cũng bị tước quyền ứng cử trong 5 năm./.