Sức ép cả trong lẫn ngoài với Israel, xung đột ở Gaza liệu có thay đổi?

VOV.VN - Với sức ép cả trong nước lẫn quốc tế, liệu Thủ tướng Israel có nhượng bộ hơn trong quá trình đàm phán với Hamas hay sẽ vẫn tấn công bằng bộ binh vào Rafah  – nơi được coi là thành trì cuối cùng của lực lượng Hamas như kế hoạch mà ông Netanyahu nhiều lần khẳng định?

Gần 6 tháng sau cuộc xung đột giữa Israel và Hamas, một chiến dịch biểu tình kéo dài 4 ngày của người dân Israel đang diễn ra nhằm yêu cầu Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Chính phủ từ chức. Đây là đợt biểu tình phản đối Chính phủ lớn nhất tại nước này kể từ khi xung đột nổ ra ở Dải Gaza hồi đầu tháng 10/2023. Trước đó, Mỹ - đồng minh của Israel - bỏ phiếu trắng cho nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có nội dung kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza, động thái gần như là “một cú sốc” đối với Israel.

Các cuộc biểu tình ở Israel

Mục đích của các cuộc biểu tình lần này là nhằm phản đối các chính sách của Chính phủ Israel đối với cuộc chiến tại Gaza, gây áp lực với chính phủ về thỏa thuận để trao đổi các con tin đang bị Hamas giam giữ, cũng như thay đổi chính sách miễn nghĩa vụ quân sự cho những người Do Thái chính thống. Những người biểu tình mang theo biểu ngữ và hô khẩu hiệu yêu cầu Thủ tướng Netanyahu cùng Nội các từ chức, tổ chức bầu cử sớm để thành lập một chính phủ mới. Các lãnh đạo phe đối lập cũng đưa ra nhiều phát biểu công kích Thủ tướng Netanyahu.

Các cuộc biểu tình lần này, có sự tham gia của những nhóm biểu tình đã tham gia vào các cuộc biểu tình với quy mô lớn và dày đặc vào năm ngoái, để phản đối kế hoạch cải cách Tư pháp của chính phủ, đã khiến Israel rơi vào một trong những cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất.

Quy mô cũng như hình thức cuộc biểu tình lần này đã gây áp lực mạnh mẽ lên chính phủ do Thủ tướng Netanyahu lãnh đạo, thậm chí có thể khiến ông Netanyahu phải từ chức, mở đường cho một cuộc bầu cử sớm. Thủ tướng Netanyahu đã có những động thái, được cho là nhằm xoa dịu tình hình trong nước, như gửi đơn lên Tòa án Tối cao Israel vào tuần trước để hoãn lại việc xem xét miễn nghĩa vụ quân sự cho những người Do Thái chính thống đến ngày 30/4; gửi phái đoàn tới Ai Cập để tham gia cuộc đàm phám bắt đầu từ hôm 31/3 về lệnh ngừng bắn kéo dài 6 tuần kèm điều kiện trao đổi con tin và tù nhân giữa Israel và Hamas; cam kết tuân thủ theo phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế của Liên Hợp Quốc (ICJ) đưa ra vào ngày 28/3 về việc tạo điều kiện cho hàng viện trợ nhân đạo vào dải Gaza.

Tuy nhiên, trong bối cảnh sức ép gia tăng từ phe đối lập và người biểu tình, Thủ tướng Netanyahu tiếp tục tuyên bố sẽ không tiến hành tổng tuyển cử và cho rằng, tổ chức tổng tuyển cử thời điểm này sẽ khiến đất nước “tê liệt” trong nhiều tháng, trong khi Israel đã rất gần với chiến thắng.

Cùng với các cuộc biểu tình, suy thoái về kinh tế do ngân sách dành cho quốc phòng tăng mạnh, trong khi đầu tư từ nước ngoài, xuất khẩu và chi tiêu tư nhân giảm mạnh, đã đặt ra nhiều thách thức, áp lực lên Chính phủ của Thủ tướng Netanyahu.

Kế hoạch tấn công vào Nam Gaza

Bất chấp dư luận trong nước và sức ép của quốc tế trong thời gian qua, đặc biệt là nghị quyết yêu cầu ngừng bắn tại Gaza lần đầu tiên được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua ngày 25/3, cũng như lời kêu gọi ngừng bắn từ nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, Thủ tướng Netanyahu ngày 31/3 đã phê duyệt “kế hoạch hành động” cho đợt tấn công mới vào thành phố Rafah ở miền Nam dải Gaza.

Trước đó, ngày 15/3, Thủ tướng Netanyahu đã phê duyệt kế hoạch tấn công thành phố Rafah và nhiều lần khẳng định sẽ tiến hành kế hoạch này. Điều đó cho thấy, một kế hoạch tác chiến chi tiết đã được Quân đội Israel vạch ra, với các cuộc tấn công quy mô lớn, bao gồm cả bộ binh và không quân, nhằm tiêu diệt 4 tiểu đoàn Hamas tại đây, để giành chiến thắng hoàn toàn trước lực lượng này.

Kế hoạch này cũng bao gồm việc sơ tán dân thường tại Rafah và cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho họ. Tuy nhiên, chi tiết về cách thức và địa điểm sơ tán dân thường, cũng như việc cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết cho số lượng lớn người sơ tán chưa được đưa ra. Trong khi đó, các cuộc không kích của Israel vào Rafah đã khiến hàng trăm người, chủ yếu là dân thường thương vong mỗi ngày.

Trước đó, Israel kêu gọi Liên Hợp Quốc hỗ trợ tham gia việc di tản, tuy nhiên, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết, Liên Hợp Quốc sẽ không tham gia vào bất kỳ hành động cưỡng bức di dời nào đối với người Palestine hiện đang trú ẩn ở Rafah.

Những kịch bản nào được tính đến?

Hiện dư luận quốc tế mong chờ những tín hiệu tích cực từ vòng đàm phán mới nhất diễn ra từ ngày 31/3 tại Cairo (Ai Cập), với sự trung gian của Mỹ, Ai Cập và Qatar. Bốn vòng đàm phán liên tiếp kéo dài nhiều tuần trước đó đều chưa mang lại kết quả, song thông qua đó, các nhà trung gian hòa giải hiểu rõ hơn các yêu cầu, mong muốn của hai bên; cùng với việc Israel đang chịu sức ép lớn ở cả trong và ngoài nước, khiến thế giới hy vọng sẽ có những tiến triển và kết quả mong đợi về một lệnh ngừng bắn tại Gaza.

Trong khi đó, Israel và Mỹ ngày 1/4 đã có cuộc thảo luận trực tuyến về các giải pháp thay thế cho chiến dịch tấn công trên bộ vào Rafah. Cuộc thảo luận về vấn đề này đã được Mỹ lên kế hoạch trước đó, tuy nhiên, sau khi Mỹ bỏ phiếu trắng mở đường cho việc thông qua nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc yêu cầu ngừng bắn tại Gaza, Thủ tướng Netanyahu đã hủy chuyến đi tới Mỹ của phái đoàn nước này. Cuộc thảo luận với Mỹ - đồng minh thân thiết của Israel, có thể mang đến dấu hiệu tích cực, tránh được một cuộc chiến sẽ gây hậu quả thảm khốc cho người Palestine tại Rafah.

Các áp lực của quốc tế và trong nước có thể buộc Chính phủ Israel phải linh động hơn trong cuộc đàm phán lần này tại Ai Cập. Tuy nhiên, với những toan tính về chính trị, không loại trừ khả năng Thủ tướng Netanyahu và Nội các thời chiến của Israel có thể sẽ thực hiện bước đi đầy rủi ro là mở chiến dịch tấn công bộ binh quy mô lớn vào Rafah, để giải cứu các con tin và đánh bại lực lượng Hamas như đã nhiều lần tuyên bố.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Mỹ và Israel thảo luận giải pháp thay thế chiến dịch tấn công Rafah
Mỹ và Israel thảo luận giải pháp thay thế chiến dịch tấn công Rafah

VOV.VN - Mỹ và Israel hôm 1/4 thảo luận trực tuyến về các giải pháp thay thế cho chiến dịch tấn công trên bộ vào Rafah, phía nam dải Gaza. Đây là vấn đề đang gây rạn nứt giữa hai quốc gia đồng minh.

Mỹ và Israel thảo luận giải pháp thay thế chiến dịch tấn công Rafah

Mỹ và Israel thảo luận giải pháp thay thế chiến dịch tấn công Rafah

VOV.VN - Mỹ và Israel hôm 1/4 thảo luận trực tuyến về các giải pháp thay thế cho chiến dịch tấn công trên bộ vào Rafah, phía nam dải Gaza. Đây là vấn đề đang gây rạn nứt giữa hai quốc gia đồng minh.

Thủ tướng Israel Netanyahu tin tưởng sẽ hồi phục hoàn toàn sau phẫu thuật
Thủ tướng Israel Netanyahu tin tưởng sẽ hồi phục hoàn toàn sau phẫu thuật

VOV.VN - Thủ tướng Israel Netanyahu cho biết. ông dự kiến sẽ hồi phục hoàn toàn và nhanh chóng sau ca phẫu thuật hôm qua (31/3).

Thủ tướng Israel Netanyahu tin tưởng sẽ hồi phục hoàn toàn sau phẫu thuật

Thủ tướng Israel Netanyahu tin tưởng sẽ hồi phục hoàn toàn sau phẫu thuật

VOV.VN - Thủ tướng Israel Netanyahu cho biết. ông dự kiến sẽ hồi phục hoàn toàn và nhanh chóng sau ca phẫu thuật hôm qua (31/3).

Biểu tình lớn chưa từng có tại Israel đòi Thủ tướng Netanyahu từ chức
Biểu tình lớn chưa từng có tại Israel đòi Thủ tướng Netanyahu từ chức

VOV.VN - Tối qua (31/3) khoảng 100.000 người đã tập trung biểu tình bên ngoài trụ sở Quốc hội Israel ở thành phố Jerusalem, để kêu gọi Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Chính phủ từ chức.

Biểu tình lớn chưa từng có tại Israel đòi Thủ tướng Netanyahu từ chức

Biểu tình lớn chưa từng có tại Israel đòi Thủ tướng Netanyahu từ chức

VOV.VN - Tối qua (31/3) khoảng 100.000 người đã tập trung biểu tình bên ngoài trụ sở Quốc hội Israel ở thành phố Jerusalem, để kêu gọi Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Chính phủ từ chức.