Syria đứng trước thảm họa toàn diện, quốc tế chia rẽ sâu sắc
(VOV) - Cao ủy LHQ cảnh báo về 1 thảm họa toàn diện khi có tới 1 triệu người tị nạn ở các nước láng giềng và hàng triệu người mất nhà cửa.
Cảnh báo của Cao ủy Liên Hợp Quốc được đưa ra hôm 6/3 trong bối cảnh Liên đoàn Arab bất đồng về việc trao tư cách thành viên của Syria cho phe đối lập. Trong khi đó, Nga cũng tiếp tục phản đối phương Tây viện trợ cho phe đối lập Syria.
Tuyên bố của Liên đoàn Arab đưa ra sau hội nghị ngày 6/3 ở Cairo (Ai Cập) cho biết, Liên đoàn đã mời Liên minh Dân tộc Syria cử đại diện đến tham dự một hội nghị của khối này diễn ra vào ngày 26 và 27/3 tới tại Doha (Qatar). Như vậy, Liên minh Dân tộc Syria sẽ thế vào chỗ mà Liên đoàn Arab đã truất của Damascus từ tháng 11/2011 sau khi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad không thực thi một kế hoạch hòa bình của khối Arab nhằm chấm dứt xung đột.
Tuy nhiên, Tuyên bố này không nhận được sự đồng thuận tuyệt đối. Lebanon, Iraq và Algeria đã từ chối ủng hộ điều khoản về Syria.
Tại cuộc họp, Tổng Thư ký Liên đoàn Arab Nabil Elaraby cảnh báo các cơ hội nhằm đạt thỏa thuận giải quyết khủng hoảng tại Syria đang bị bỏ lỡ và điều này sẽ ảnh hưởng xấu tới Syria và toàn khu vực. Ông thúc giục Chính phủ Syria nên có hành động quyết đoán và đáp lại sáng kiến của thủ lĩnh đối lập đang lưu vong Moaz al-Khatib.
Syria tan hoang vì giao tranh (ảnh: AP) |
“Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta không thể chờ đợi lâu hơn nữa,” ông Elaraby nói. “Chính phủ Syria cần đưa ra các quyết định nghiêm túc và rõ ràng chấp nhận các sáng kiến của người đứng đầu Liên minh dân tộc Syria al-Khatib, vốn đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân Syria và cộng đồng quốc tế. Tôi cho rằng, việc bỏ lỡ cơ hội đạt được một giải pháp cho cuộc khủng hoảng sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng không chỉ đối với Syria mà toàn bộ khu vực”.
Bộ Ngoại giao Syria cùng ngày ra tuyên bố cáo buộc Liên đoàn Arab vi phạm hiến chương của Liên đoàn khi đề nghị trao quy chế thành viên cho một đảng phái đối lập ở Syria. Hãng thông tấn SANA của Syria dẫn tuyên bố của bộ trên bác bỏ vai trò của AL trong bất cứ kế hoạch hay nỗ lực nào có thể dẫn tới một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột dai dẳng tại Syria hiện nay, vì quan điểm "tiêu cực và thiên vị" của Liên đoàn.
Trong khi đó, các nước phương Tây tiếp tục tăng cường viện trợ cho phe đối lập, đồng thời thúc đẩy việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Syria. Phát biểu trước Quốc hội Anh ngày 6/3, Ngoại trưởng nước này William Hague nói rằng, Anh cũng như Liên minh châu Âu cần chuẩn bị cho các hành động tiếp theo, nếu không tìm ra một giải pháp chính trị.
Về phía Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Alexander Lukashevich hôm 6/3 cho biết: "Nga coi mọi nỗ lực cung cấp vũ khí, tiền bạc và những thứ khác cho phe đối lập Syria là cực kỳ nguy hiểm và đi ngược lại lợi ích của một giải pháp ngoại giao". Ông cũng lên án ý định của phương Tây viện trợ "phi sát thương" cho phe đối lập Syria, cho rằng điều này là "hoàn toàn không cần thiết"./.