Syria: Hy vọng mới về một cuộc chiến đã bị lãng quên
VOV.VN - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tuyên bố về khả năng Mỹ sẽ đối thoại với Chính phủ Syria nhằm kết thúc cuộc xung đột kéo dài 4 năm tại đây.
Mặc dù sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf đã lên tiếng cải chính, cho rằng, Mỹ sẽ chẳng bao giờ đàm phán với Chính phủ của Tổng thống Bashar al- Assad, việc chính quyền Mỹ đề cập về tình hình Syria sẽ là cơ hội để thế giới không lãng quên về một cuộc chiến đã kéo dài quá lâu này.
Phản ứng trước tuyên bố của giới chức Mỹ, trong một tuyên bố đưa ra trên truyền hình ngày 16/3, Tổng thống Syria al-Assad cho biết, bất cứ sự thay đổi tích cực nào liên quan đến quan điểm của cộng đồng quốc tế đối với tình hình chiến sự tại Syria đều phải hướng tới mục tiêu chấm dứt sự ủng hộ cho các phần tử khủng bố tại Syria.
Tổng thống Syria cũng nhấn mạnh, cho dù bất cứ điều gì xảy ra, ông cũng sẽ mãi ở lại với đất nước và người dân Syria: “Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoại trừ việc bảo vệ đất nước Syria. Bất cứ sự thay đổi nào đến từ bên ngoài mà ủng hộ mục tiêu này, chúng tôi cũng đều hoan nghênh miễn là phải trung thực và đi kèm hành động thực tế trên thực địa. Điều đó phải đi liền với việc chấm dứt sự ủng hộ chính trị, dừng cấp ngân sách và vũ khí cho các phần tử khủng bố, cũng như gia tăng áp lực đối với chính phủ các nước châu Âu và các quốc gia trong khu vực đang ủng hộ khủng bố. Chỉ có như vậy, chúng tôi mới cho là sự thay đổi quan điểm thực sự đối với tình hình Syria”.
Còn đối với nhiều người dân Syria, sau 4 năm nội chiến kéo dài, hơn ai hết, người dân Syria chỉ có một mong ước duy nhất là chiến tranh chấm dứt và hòa bình trở lại với họ.
Một số người dân Syria nói: “Ông Kerry đã đe dọa chúng tôi không chỉ một lần. Giờ ông ấy mới nói phải đàm phán với Tổng thống al-Assad để mang đến một giải pháp hòa bình thực sự cho Syria. Chúng tôi hy vọng đó sẽ không phải là những lời nói suông”.
“Theo tôi, tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến quá muộn với Syria. Sau 4 năm qua, với hơn 215.000 người chết, hàng nghìn người phải sơ tán, ông ấy mới đưa ra đề nghị đối thoại. Ông Kerrry nên đưa ra đề nghị này ngay từ khi bất ổn mới le lói tại Syria. Tuy nhiên, cho dù bất kể lý do gì thì tôi vẫn ủng hộ đối thoại”.
Kể từ khi cuộc khủng hoảng chính trị bùng phát tại Syria hồi tháng 3/2011, các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, theo đuổi nhiều nỗ lực, điển hình là Hội nghị hòa bình Geneva 1 diễn ra vào tháng 6/2012 và Hội nghị hòa bình Geneva 2 vào tháng 1/2014 nhằm tìm kiếm một giải pháp ngoại giao để tháo gỡ một vấn đề được xem là “nóng bỏng nhất” tại chảo lửa Trung Đông. Song rốt cuộc, những nỗ lực này đã không mang lại kết quả như mong đợi.
Tuyên bố trên của giới chức Mỹ dù chưa biết sẽ đi đến đâu song nó cũng góp phần nhen nhóm lên những tia hy vọng mới nhằm chấm dứt xung đột đã kéo dài quá lâu tại Syria, vốn đã bị lu mờ đi sau hàng loạt biến cố trên thế giới trong năm qua./.