Syria - Thổ Nhĩ Kỳ: Cái cớ để can thiệp vào Syria?
Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng “có một cuộc chiến tranh không tuyên bố đang diễn ra giữa Thổ Nhĩ kỳ và Syria”.
- Syria bắn chiếc máy bay thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ
- EU lên án việc Syria bắn hạ máy bay Thổ Nhĩ Kỳ
- Thổ Nhĩ Kỳ họp nội các về vụ máy bay chiến đấu bị bắn hạ
- Thổ Nhĩ Kỳ tìm thấy chiếc máy bay bị Syria bắn hạ
Việc Syria bắn rơi máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ là sự kiện nóng gây tranh cãi trong suốt thời gian qua. Đây đồng thời cũng là “chất xúc tác” khiến căng thẳng trong quan hệ láng giềng giữa hai nước ngày càng tăng. Nút thắt này chưa được tháo gỡ thì lại thêm một nút thắt mới xuất hiện khi Thổ Nhĩ Kỳ lại cáo buộc Syria bắn hạ chiếc máy bay thứ hai của họ.
Ngay sau khi cáo buộc Syria tiếp tục bắn hạ chiếc máy bay thứ hai của mình, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẽ đáp trả hành động của Syria tuy nhiên không có ý định gây chiến vì lý do này. Trong khi đó, báo chí Thổ Nhĩ Kỳ đã hoan nghênh Thủ tướng nước này Recep Tayyip Erdogan đã viện dẫn một điều khoản trong Hiệp ước thành lập của khối đồng minh NATO về việc tổ chức cuộc họp khẩn khi một thành viên cho rằng những lợi ích an ninh của mình bị đe dọa.
Thổ Nhĩ Kỳ lại cáo buộc Syria bắn hạ chiếc máy bay thứ hai của họ (Ảnh: Reuters) |
Trong lúc này, các cuộc giao tranh dữ dội tiếp tục diễn ra ở Syria, nước có đường biên giới dài 900 km với Thổ Nhĩ Kỳ. Sự gia tăng các cuộc giao tranh làm tăng thêm những lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ về làn sóng người tị nạn và khả năng một cuộc chiến tranh sắc tộc và tôn giáo có thể bao trùm cả khu vực. Chính vì thế, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan có vẻ tránh nói đến phản ứng bằng quân sự. Nếu ông muốn cuộc họp NATO hôm nay đưa ra biện pháp trả đũa quân sự thì có lẽ ông đã viện dẫn một điều khoản khác về trách nhiệm bảo vệ lẫn nhau giữa các nước thành viên.
Trong khi đó, Điều 5 mà Thổ Nhĩ Kỳ viện dẫn chỉ quy định NATO có cơ hội tham khảo với nhau và không nhất thiết phải dẫn đến một phản ứng quân sự. Điều này cho thấy ít nhất cho đến thời điểm hiện nay, phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chỉ đứng trên phương diện ngoại giao.
Tuy nhiên, đối với bản thân Syria, vụ việc được coi là “gây hấn” với người hàng xóm Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ nhấn chìm mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế thời gian qua nhằm giúp quốc gia Trung Đông này ổn định tình hình. Có lý do để e ngại đây sẽ là khúc mở màn cho một chiến dịch mới do các thành viên NATO tiến hành nhằm lật đổ chế độ hiện nay ở Syria vốn đang bị Mỹ và phương Tây áp đặt các biện pháp cấm vận.
Trong mấy ngày gần đây, lãnh đạo các cường quốc phương Tây đang “sôi sục” trước vụ việc này. Họ đã không ngớt lời lên án Syria bằng những lời lẽ gay gắt nhất. Chỉ ít giờ sau khi vụ bắn hạ chiếc F-4 xảy ra, ngay trong ngày 22/6, Bộ Ngoại giao Pháp đã kêu gọi binh sĩ Syria đồng loạt đào ngũ. Còn Đại sứ Mỹ tại Syria đã viết thư ngỏ trên mạng xã hội Facebook kêu gọi quân đội Syria chống lại Tổng thống al-Assad.
Ngày 25/6, Australia đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Syria. Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ công bố các biện pháp trừng phạt mới với Damascus tại một cuộc họp các ngoại trưởng EU dự kiến diễn ra cũng trong ngày 26/6 tại Luxembourg...
Giới phân tích nhận định NATO có thể sẽ không thực hiện hành động quân sự đối với Syria, tuy nhiên, vụ việc lần này sẽ là cái cớ để Mỹ và phương Tây tiến hành các bước đi mới nhằm cô lập chế độ của Tổng thống Syria al-Assad.
Về vấn đề này, ông Lê Thế Mẫu, nguyên chuyên gia Viện Nghiên cứu chiến lược quốc phòng, Bộ Quốc phòng cho rằng: “Đây thực chất là vụ khiêu khích của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào Syria. Một mặt, các “tác giả” của vụ khiêu khích này muốn tạo cớ cơ sở pháp lý và áp lực của dư luận quốc tế để HĐBA Liên Hợp Quốc ra nghị quyết trừng phạt Syria, như thiết lập vùng cấm bay hoặc các biện pháp cứng rắn tương tự để tạo tiền đề cho NATO tiếp tục can thiệp vào công việc nội bộ của Syria”./.