Tác động của kế hoạch cắt giảm ngân sách của Bộ Quốc phòng Mỹ

Ngày 27/1 (theo giờ Mỹ), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã công bố chi tiết kế hoạch ngân sách nhằm tiết kiệm khoảng 500 tỷ USD chi tiêu quốc phòng trong thập kỷ tới.

Theo đó, lực lượng lục quân và lính thủy đánh bộ của Mỹ sẽ bị cắt giảm mạnh, hải quân Mỹ sẽ cắt giảm về số lượng tàu chiến, và lực lượng không quân cũng bị giảm về phi đội máy bay. Mặc dù vậy, quân đội Mỹ vẫn phải đảm bảo được các tham vọng lớn của Mỹ.

Tuy nhiên, phát biểu tại Lầu Năm Góc khi công bố kế hoạch cắt giảm ngân sách quốc phòng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta nói: “Một điều có thể dễ dàng nhận ra đó là thông thường quân đội Mỹ phải giải quyết triệt để bất kỳ một mối đe dọa nào mà nước Mỹ  đối mặt, sau đó sẽ chuyển sang giải quyết các mối đe dọa khác. Thực tế hiện nay cho thấy, mặc dù nước Mỹ rút quân ra khỏi Iraq và Afghanistan, nước Mỹ vẫn  phải đối mặt với rất nhiều những mối đe dọa nguy hiểm trên toàn thế giới”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta (ảnh: Reuters)

Dẫu phải cắt giảm chi phí và cơ cấu lại lực lượng nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta vẫn cam kết rằng quân đội Mỹ vẫn có thể đảm đương được các nhiệm vụ này.

Để hiểu thêm về kế hoạch cắt giảm ngân sách của Bộ Quốc phòng Mỹ, chúng tôi sẽ trò chuyện với anh Minh Hiển, phóng viên Đài TNVN thường trú tại Washington DC.

** PV: Thưa anh Minh Hiển, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã công bố kế hoạch cắt giảm ngân sách quốc phòng trong 10 năm tới, qua theo dõi tình hình xin anh cho biết đâu là những khu vực bị cắt giảm nhiều nhất?

PV Minh Hiển: Do Bộ Quốc phòng Mỹ phải cắt giảm 500 tỷ USD trong vòng 10 năm tới và theo như kế hoạch được công bố ngày 27/1, khu vực bị cắt giảm mạnh nhất đó là số binh sỹ trong đó lực lượng lục quân sẽ bị cắt giảm khoảng 80.000 quân (từ 556.000 xuống còn 490.000) và lực lượng lính thủy đánh bộ sẽ  bị cắt giảm 20.000 (từ 200.000 xuống còn 182.000).

Ngoài lý do tiết kiệm ngân sách, có một  lý do khác khiến Lầu Năm Góc cắt giảm chi phí và cơ cấu lại lực lượng đó là Mỹ hiện đang tập trung nguồn lực vào triển khai chiến lược quay trở lại châu Á, đây là chiến lược đã được chính quyền Tổng thống Obama rất coi trọng và quyết tâm thực hiện trong  thời gian gần đây.

** PV: Chiến lược quay trở lại châu Á của Mỹ được thể hiện như thế nào trong kế hoạch này của Lầu Năm Góc?

PV Minh Hiển: Chiến lược quay trở lại châu Á được thể hiện khá rõ trong kế hoạch của Lầu Năm Góc. Trước tiên, lực lượng hải quân Mỹ vẫn duy trì các tàu hàng không mẫu hạm hoạt động trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Lực lượng không quân Mỹ sẽ tiếp tục phát triển tên lửa tầm xa, tên lửa hành trình và trang bị tốt hơn cho các hệ thống Rada. Một số tàu ngầm cũng sẽ được nâng cấp để hoạt động có hiệu quả tại khu vực châu Á Thái Bình Dương.

** PV: Thưa anh Hiển, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta khẳng định rằng quân đội Mỹ vẫn có thể đảm đương được các nhiệm vụ đặt ra. Vậy theo anh với  kế hoạch mới này của Lầu Năm Góc, quân đội Mỹ bị mất đi khả năng chiến đấu nào?

PV Minh Hiển: Theo tôi, đó là khả năng tham gia dài hạn vào các cuộc chiến giống như ở Iraq và Afghanistan.

Đó chính là lý do Bộ Quốc phòng Mỹ cắt giảm rất mạnh lực lượng lục quân và lính thủy đánh bộ cũng như cắt giảm máy bay tiếp tế hàng hóa, nhiên liệu và cầu hàng không.

Nếu Mỹ không có nhiều binh sỹ thì sẽ không tham chiến trên mặt đất tại các chiến trường cho nên họ cũng sẽ không cần đến các máy bay tiếp tế hàng hóa và vận chuyển quân đến các chiến trường đó.

** PV: Thưa anh Hiển, cho đến giờ kế hoạch mới của Bộ Quốc phòng Mỹ có gặp phải sự phản đối nào trong nước Mỹ?

PV Minh Hiển: Cho đến nay, đã có Thượng Nghị sỹ Đảng Cộng hòa John McCain phản đối vì lo ngại rằng việc cắt giảm trên qui mô lớn sẽ khiến quân đội Mỹ gặp phải những lỗi lầm giống như trong quá khứ chẳng hạn như Mỹ đã bị thua tại một số cuộc chiến tranh do bị cắt giảm quá nhiều chi phí.

Ông John McCain cũng cho rằng, nếu cắt giảm quá mạnh quân đội Mỹ ít có khả năng phản ứng lại với những thay đổi diễn ra nhanh chóng trên thế giới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên