Tai nạn tàu Italy qua lời kể của nhân chứng

Không khí hoảng loạn bao trùm khi con tàu đâm phải đá ngầm và lật nghiêng. Nhiều người đã liên tưởng đến thảm họa Titanic cách đây 100 năm.  

Số liệu thống kê công bố ngày 15/1 cho biết, tính đến thời điểm này, đã có 5 người thiệt mạng so với con số 3 trước đó, hơn 70 người bị thương và hơn 40 người được coi là mất tích.

Khi gặp nạn, khoảng 3.200 hành khách và 1.000 thuỷ thủ đã có mặt trên tàu Costa Concordia trị giá 450 triệu euro. Hỗn loạn đã xảy ra khi tàu phát ra một âm thanh va chạm lớn và lệnh sơ tán được ban bố.

Không khí hoảng loạn bao trùm khi tàu va phải đá ngầm

Tàu Costa Concordia bị lật nghiêng cách đảo Giglio chỉ 200m. (ảnh: Reuters)
Nhân chứng Agata Martisi, 40 tuổi, nhớ lại: “Chúng tôi đang ăn tối thì nghe thấy một tiếng rầm lớn và bỗng dưng có cảm giác như con tàu bị vỡ ra. Tôi quay sang chồng và nói: “Ôi Chúa ơi, âm thanh giống như chúng ta đang ở trên tàu Titanic vậy”.

Nhà báo Luciano, một hành khách trên chuyến tàu kể: “Chúng tôi đang ăn tối trên tàu thì nghe thấy một tiếng động lớn. Sau đó đèn tắt. Chúng tôi nghe thấy một tiếng “bùm”. Tất cả dao dĩa trên bàn rơi xuống sàn. Tình trạng hoảng loạn đã diễn ra”.

Những người khác đã miêu tả các cảnh tượng hỗn loạn khi tàu du lịch bắt đầu bị lắc dữ dội. “Con tàu bắt đầu bị rung lắc. Âm thanh thật đáng sợ như trong phim, khi các đĩa ăn rơi xuống sàn, mọi người chạy tán loạn, ngã xuống cầu thang”, Fulvio Rocci, một người sống sót, nói.

Những người trên tàu cho hay con tàu bất thình lình bị nghiêng sang phải. “Chúng tôi đã nói với các hành khách rằng mọi thứ đều ổn và đang được kiểm soát. Chúng tôi cố gắng giúp họ bớt hoảng sợ”, Deodato Ordona, nhân viên phục vụ trên tàu, nhớ lại.

Hành khách của tàu hoảng loạn và liên tưởng đến vụ chìm tàu Titanic.

Mất khoảng một giờ trước khi lệnh khẩn cấp chung được ban bố, Ordona cho biết. Sau đó con tàu lại tròng trành và thuyền trưởng đã ra lệnh rời bỏ con tàu.

Monica, một hành khách người Đức đang có mặt trong nhà hát của tàu khi tai nạn xảy ra cho hay, rất khó để tới được thuyền cứu hộ. “Rất khó để di chuyển. Đầu tiên nó tròng trành, sau đó nghiêng sang trái và rồi lại nghiêng sang phải”.

Tàu Costa Concordia được hạ thủy năm 2006. Chiếc tàu này được đóng bởi hãng Fincantieri với giá 450 triệu euro. Costa Concordia có khả năng chở 3.780 hành khách. Trên tàu có 1.500 buồng, bao gồm 12 dãy phòng, 5 nhà hàng và 13 quán bar. Ngoài ra, trên tàu 4 bể bơi, 5 bồn tắm massage nước nóng, khu thể thao, rạp chiếu phim, nhà hát, sòng bạc, sàn nhảy

Một người sống sót khác, Mara Parmegiani, kể về những cảnh tượng hoảng sợ. “Chúng tôi rất sợ và rét vì sự việc xảy ra trong lúc chúng tối đang ăn tối nên mọi người đều mặc đồ đơn giản. Chúng tôi không có thời gian để lấy bất kỳ thứ gì. Họ đưa cho chúng tôi chăn nhưng như thế không đủ”…

Một số nhân chứng còn kể rằng các thuyền viên, hầu hết là người châu Á và chỉ có một số ít nói được tiếng Italy, đã phải chật vật khi thông báo lệnh sơ tán. Hành khách hầu như không nắm được thông tin.

Một số hành khách mô tả nỗ lực sơ tán là hết sức chậm chạp và vô tổ chức. Nhà báo Italy Mara Parmegiani Alfonsi, khi đó có mặt trên tàu, kể có vẻ như các nhân viên không được huấn luyện cho tình trạng khẩn cấp.

Đại sứ và quan chức ngoại giao các nước có người bị nạn phàn nàn nhà chức trách chậm cung cấp thông tin về công dân nước họ cũng như cứu hộ chậm trễ. “Tôi đã nghĩ mình chắc chết rồi. Chúng tôi ở trên thuyền cứu sinh hai tiếng đồng hồ, khóc lóc và ôm nhau chờ đợi - một phụ nữ 65 tuổi kể lại trong nước mắt. Mọi người tìm cách cướp áo phao của nhau. Chúng tôi chỉ giữ lại được áo phao cho mấy đứa nhỏ”.

Bắt giữ thuyền trưởng

Thuyền trưởng của tàu Costa Concordia bị bắt (ảnh: KT)


Thuyền trưởng của tàu Costa Concordia, ông Francesco Schettino, 52 tuổi, đã bị bắt giữ. Ông Francesco Schettino đang bị buộc tội chạy trốn khỏi chiếc tàu khi nó gặp nạn, đó là thông tin được kênh truyền hình Italy SkyTG24 công bố.

Theo thông tin từ giới truyền thông Italy, ông F.Schettino đã rời tàu Costa Concordia khi nó va vào đá ngầm và thoát lên bờ lúc 23h40’ ngày 13/1 (giờ địa phương).

Nắm giữ vị trí thuyền trưởng, ông F. Schettino phải hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với việc chiếc du thuyền Costa Concordia gặp nạn. Ngay sau khi chiếc du thuyền nói trên gặp nạn, Viện Công tố Italy đã ra lệnh bắt giữ ông F. Schettino. Ngoài ông này, trợ lý thuyền trưởng tàu Costa Concordia Chiro Ambrosio cũng bị tạm giữ.

Biện hộ cho nguyên nhân tàu Costa Concordia gặp nạn, ông F. Schettino khẳng định, chiếc du thuyền gặp nạn do va phải dải đá ngầm không được đánh dấu trên bản đồ. Tuy nhiên, cơ quan công tố Italy tin rằng, ông này sẽ phải chịu trách nhiệm vì cho phép con tàu chạy quá gần bờ.

Costa Crociere, công ty sở hữu con tàu, đã ra một thông báo về vụ tai nạn. Công ty cho rằng Schettino đã đưa chiếc tàu vào quá gần bờ và không tuân thủ các quy định về an toàn của công ty khi xử lý tình huống khẩn cấp,BBC cho biết.

"Có vẻ như thuyền trưởng Francesco Schettino đã phạm nhiều sai lầm trong đánh giá tình huống và gây nên hậu quả nghiêm trọng. Con tàu di chuyển quá gần bờ biển và dường như quyết định xử lý sự cố của ông ta không tuân theo những quy định của Costa Crociere. Thậm chí trong một số trường hợp cách xử lý tình hình khẩn cấp của ông ta còn vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế", công ty Costa Crociere nhận định.

Trong khi đó, Thuyền trưởng Schettino khẳng định ông không làm gì sai. Ông nói với các nhà điều tra rằng những khối đá mà tàu Costa Concordia đâm trúng không hiện ra trên hải đồ.

"Tôi thấy nước còn khá sâu bên dưới đáy tàu. Khi đó tàu còn cách những tảng đá xấp xỉ 300 m", Schettino nói.

Được biết, thuyền trưởng Schettino đã làm việc trên các du lịch của công ty Costa Crociera được 11 năm. Công ty xác nhận ông gia nhập vào năm 2002 và phụ trách công việc bảo đảm an toàn. Ông được bổ nhiệm làm thuyền trưởng vào năm 2006. Giống như mọi thuyền trưởng khác, Schettino được huấn luyện liên tục và vượt qua mọi kỳ kiểm tra.

Lời cảnh tỉnh
Tàu Costa Concordia đang di chuyển từ Civitavecchia ở gần Rome trong cuộc hành trình xuyên Địa Trung Hải thì đâm vào đá ngầm. Người ta thấy rõ vết thủng dài 50 m lớn trên thân tàu. Cảnh sát đang điều tra xem tại sao tai nạn lại xảy ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi.

Tàu Costa Concordia, trị giá 450 triệu euro, từng có tiền sử về tai nạn khi đâm vào thành cảng Palermo năm 2008. Giới chuyên gia hàng hải cho biết cũng như tất cả các phương tiện giao thông hiện đại cỡ lớn, du thuyền Costa Concordia phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống điện tử phức tạp.

CNN cho biết theo các phỏng đoán ban đầu, có thể một vụ nổ nhỏ đã xảy ra tại phòng điện của tàu không lâu trước khi nó va vào đá ngầm. Các máy phát điện cung cấp cho sáu động cơ của tàu bị trục trặc. Hệ thống cấp điện dự phòng cũng không thể khởi động ngay mà cần có thời gian. Do đó tàu bị mất lái. Hồi tháng 9/2010, tàu Queen Mary 2 cũng đã gặp sự cố tương tự khi chuẩn bị vào cảng Barcelona (Tây Ban Nha).

Các chuyên gia hàng hải cho rằng tai nạn của cả hai con tàu trên là một lời cảnh tỉnh cho ngành công nghiệp đóng tàu. Trong những năm qua, tốc độ phát triển về kích cỡ các du thuyền tăng chóng mặt. Trọng tải trung bình của các du thuyền đã tăng gấp đôi trong một thập kỷ qua. Nhiều du thuyền giờ đây như một thị trấn nhỏ trên biển. Điều đó làm dấy lên các mối lo ngại về việc sơ tán và cứu hộ khi có tai nạn. Giới chuyên gia cho rằng các hãng tàu cần chú trọng hơn đến các thiết bị cứu sinh và nâng cao chất lượng thủy thủ đoàn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên