Tại sao phi công Trung Quốc không bung dù khi Su-27 rơi
Có khả năng, 2 phi công trên chiếc Su-27 SK đã cố gắng điều khiển máy bay rơi xuống khu vực bờ biển tránh đâm vào cầu và khu vực dân cư.
Chiều 31/3, một chiếc máy bay của không quân Trung Quốc đã bị rơi ở khu vực bờ biển thành phố Vinh Thành - Sơn Đông làm 2 phi công thiệt mạng. Câu hỏi đặt ra là tại sao phi công không nhảy dù để bảo toàn tính mạng?
Chiếc Su-27 đã đâm xuống bờ biển thành phố Vinh Thành - Sơn Đông làm 2 phi công thiệt mạng |
Theo tin cho biết, chiếc máy bay rơi thuộc loại máy bay huấn luyện 2 chỗ ngồi Su-27 SK - phiên bản xuất khẩu của máy bay Su-27 UBK, là kiểu đầu tiên thuộc dòng Su-27 UB do Liên Xô sản xuất.
Cùng ngày, Hãng thông tấn Nga Itar-Tass cũng có bài bình luận về sự cố rơi máy bay của Trung Quốc. Theo bài báo, Su-27 là loại máy bay tiêm kích hạng nặng chiến đấu trong mọi điều kiện thời tiết do công ty Sukhoi của Nga chế tạo. Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Trung Quốc ký hợp đồng mua loại máy bay này và kèm theo là giấy phép tự sản xuất của Nga. Năm 1992, Trung Quốc đã tiếp nhận loạt đầu tiên gồm 12 chiếc, sau đó tự sản xuất Su-27 theo giấy phép của Nga, rồi tiếp tục “nhái” Su-27 thành loại máy bay J-11 hiện nay.
Loai máy bay này chủ yếu sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ không phận, hộ tống trên không và tuần tra trên biển. Hiện Trung Quốc có khoảng gần 300 chiếc Su-27, J-11 và các phiên bản cải tiến của nó.
Trong quá khứ, Su-27 đã từng phát sinh khá nhiều sự cố. Vào tháng 7/2002, một chiếc Su-27 thuộc đội bay biểu diễn đã rơi xuống đám đông dân cư, hậu quả làm gần 90 người chết. Từ năm 2010 đến nay, mỗi năm Nga cũng đều phát sinh các sự cố liên quan đến Su-27.
Về sự việc phi công không kịp thời nhảy dù dẫn đến tử vong, một chuyên gia về huấn luyện bay của không quân Trung Quốc cho biết, có thể xuất phát từ 3 khả năng.
Khả năng thứ nhất là khi phi công quyết định nhảy dù thì máy bay đang bay ở độ cao quá thấp, độ cao mở dù không đủ, thậm chí nếu chủ động ấn máy phóng ghế khẩn cấp thì cũng không được.
Lí do thứ 2 là khi sự cố xảy ra, máy bay đang nằm trong khu vực dân cư hoặc nơi tập trung đông người, nếu như phi công nhảy dù thì máy bay sẽ đâm xuống khu vực dân cư gây thiệt hại cho tính mạng và tài sản của nhân dân. Lúc đó, các phi công đã cố gắng điều khiển máy bay chuyển hướng để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất dẫn đến không kịp nhảy dù.
Yếu tố thứ 3 là khi phát sinh sự cố, các phi công không nhảy dù mà dốc toàn lực cứu máy bay để sau này các chuyên gia kỹ thuật mặt đất tìm ra và khắc phục sự cố để cung cấp những số liệu quý báu để cải tiến máy bay. Nhưng thông thường các sĩ quan chỉ huy không cho phép các hành động phiêu lưu như vậy.
Hiện không quân Trung Quốc vẫn đang tiếp tục điều tra nguyên nhân làm máy bay rơi và tại sao phi công lại không nhảy dù. Theo một số nhân chứng trên hiện trường, có thể 2 phi công đã quyết định không nhảy dù, cố điều khiển máy bay rơi xuống khu vực bờ biển tránh đâm vào cầu và khu vực dân cư./.