Taliban nỗ lực ổn định tình hình Afghanistan, thế giới theo dõi "nhất cử nhất động"
VOV.VN - Ngay sau khi giành chính quyền, lực lượng Taliban đang có những bước đi ổn định tình hình Afghanistan cũng như xúc tiến việc thành lập chính phủ mới.
Thế giới cũng đang theo dõi chặt chẽ diễn biến tại Afghanistan với những đánh giá để đưa ra cách tiếp cận và lập trường hợp lý với chính quyền mới tại quốc gia Nam Á này.
Lực lượng Taliban hôm nay (17/8) thông báo ân xá cho tất cả các quan chức chính phủ, đồng thời kêu gọi họ trở lại làm việc. Taliban cũng cho biết chính phủ mới sẽ sớm được thành lập, bao gồm cả những người không thuộc lực lượng Taliban và cả những người từ chính quyền cũ. Trong một tuyên bố khá tích cực khi Taliban bày tỏ mong muốn phụ nữ nên tham gia vào thành phần chính phủ mới.
Trước những diễn biến mới nhất tại Afghanistan, thế giới cũng đang tất bật với các hoạt động ngoại giao với những cuộc điện đàm hay họp khẩn, đánh giá tình hình cũng như xem xét lại chiến lược tại quốc gia Nam Á này. Một trong những câu hỏi được đề cập nhiều nhất trong cuộc họp báo các nước ngày hôm qua đó là liệu có công nhận chính quyền mới tại Afghanistan hay không:
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, cách hành xử của Taliban trong đó có việc xây dựng một chính phủ tôn trọng nhân quyền bao gồm quyền của phụ nữ sẽ là các điều kiện để Mỹ cân nhắc công nhận chính quyền mới ở Afghanistan.
“Mỹ và cộng đồng quốc tế một lần nữa đang hợp tác với nhau để Taliban cần phải thực hiện những điều kiện này. Tuyên bố của Liên Hợp Quốc cũng nhấn mạnh, giải pháp chính trị sẽ là tốt nhất vì lợi ích của tất cả các bên, trong đó có Mỹ hay các đồng minh và quan trọng hơn cả là lợi ích của chính người dân Afghanistan”, người phát ngôn Ned Price nói.
Bộ Ngoại giao Nga hôm qua (16/8) cho biết đang tiếp xúc với tất cả các bên tại Afghanistan bày tỏ hy vọng thiết lập mối quan hệ hữu nghị với ban lãnh đạo mới của Afghanistan nhưng khẳng định Nga sẽ không vội vàng công nhận chế độ Taliban.
Trong khi đó Trung Quốc cho biết tôn trọng sự lựa chọn của người dân Afghanistan và hy vọng quá trình chuyển tiếp tại quốc gia Nam Á này diễn ra suôn sẻ. “Trung Quốc duy trì các cuộc tiếp xúc với Taliban và các bên khác tại Afghanistan trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và ý nguyện của các bên tại Afghanistan. Trung Quốc đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy giải pháp chính trị về Afghanistan".
Với lập trường cứng rắn hơn, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab khẳng định: "Chúng tôi sẽ sử dụng chức chủ tịch G7 để nói rõ với Taliban rằng họ phải tuân theo cam kết, không bao giờ cho phép Afghanistan được sử dụng làm căn cứ cho khủng bố, thành lập một chính phủ toàn diện hơn và bảo vệ những gì thiết yếu nhất của quyền con người, bao gồm cả việc tôn trọng quyền của phụ nữ”.
Vào thời điểm này, còn quá sớm để các nước có thể đưa ra phản ứng chính thức về việc công nhận hay không công nhận chính quyền mới tại Afghanistan khi Taliban vẫn đang trong quá trình xúc tiến thành lập chính phủ. Quyết định cách tiếp cận với chính quyền mới tại Afghanistan sẽ phụ thuộc nhiều vào yếu tố lợi ích của từng quốc gia tại quốc gia Nam Á này.
Và quan trọng hơn cả là những bước đi của Taliban thực hiện các cam kết trong việc thành lập chính phủ hay đảm bảo nhân quyền, bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái. Một chính phủ mới “thống nhất, bao hàm và đại diện cao, trong đó có sự tham gia đầy đủ, bình đẳng và ý nghĩa của phụ nữ” là mong muốn của các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về Afghanistan - quốc gia vốn đối mặt với quá nhiều mất mát và đau khổ này./.