Tân Chủ tịch đảng cầm quyền Nhật Bản: Dòng dõi “trâm anh thế phiệt”, ủng hộ cải cách
VOV.VN - Tân Chủ tịch đảng LDP cầm quyền Nhật Bản Fumio Kishida, với kinh nghiệm chính trường dày dặn, được cho là sẽ có nhiều cải cách trong thời gian tới.
Trong cuộc bầu cử Chủ tịch Đảng Tự do Dân chủ (LDP) - đảng cầm quyền của Nhật Bản, vừa diễn ra chiều nay (29/9), ông Fumio Kishida - nguyên Trưởng Ban nghiên cứu chính sách đã giành quá bán với 257 phiếu, chính thức trở thành tân Chủ tịch đảng LDP. Điều này đồng nghĩa với việc sau khi “sát hạch” tại Quốc hội, dự kiến diễn ra vào đầu tháng 10, ông sẽ chính thức trở thành Thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản.
Dòng dõi “trâm anh thế phiệt” và thích bóng chày
Ông Fumio Kishida sinh ngày 29/7/1957 tại Tokyo. Gia đình ông là “trâm anh thế phiệt” khi bố ông là Hạ nghị sĩ, Tổng cục trưởng Tổng cục doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông nội của ông từng là Hạ nghị sĩ trước và sau thời chiến tranh. Anh của ông từng là Bộ trưởng kinh tế và sản nghiệp Nhật Bản.
Thời tiểu học từ năm lớp 1 đến lớp 3, ông Kishida đã học tại New York, Mỹ do cha ông làm việc tại đây. Tháng 6/1966, ông trở về nước. Năm 1973, ông theo học tại trường Phổ thông trung học Kaisei, có nhiều thành tích trong bộ môn bóng chày. Sau này, bóng chày là môn thể thao mà ông yêu thích. Đây cũng là ngôi trường gắn bó với ông Kishida. Khi ông Kishida trở thành Bộ trưởng, đã có hơn 500 người thành lập nên Hội Kaisei để ủng hộ ông. Năm 1976, ông nhập học tại trường Đại học Tokyo, sau đó 2 năm ông là sinh viên chuyên ngành pháp lý Đại học Waseda. Tốt nghiệp Đại học, ông Kishida trở thành nhân viên tại một ngân hàng ở Tokyo.
Năm 1993, lần đầu tiên ông trở thành ứng cử viên của đảng Tự do Dân chủ tham gia vào cuộc bầu cử Hạ viện lần thứ 40 và trúng cử. Năm 1997, ông nhậm chức Cục trưởng Thanh niên của Đảng LDP. Năm 2001, thời chính quyền Thủ tướng Koizumi, ông là Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Nhật Bản.
Năm 2015, ông là Bộ trưởng Ngoại giao và tháng 7/2017 là Bộ trưởng Phòng vệ, sau đó là Trưởng Ban nghiên cứu chính sách của đảng LDP. Tháng 9/2020, ông từng tham gia tranh cử Thủ tướng Nhật Bản khi ông Abe Shinzo từ nhiệm vì lý do sức khỏe. Nhưng may mắn không mỉm cười với ông khi số phiếu của ông thấp hơn ông Suga Yoshidide khá nhiều.
Ông Kishida có tính cách điềm đạm và không phải là người thích thể hiện trước công chúng. Ngoài ra, ông ủng hộ sửa đối Hiến Pháp theo chủ nghĩa hòa bình. Ông đã tỏ rõ “tham vọng” trong cuộc đua lần này khi nhanh chóng đưa ra chính sách tranh cử ngay sau khi ông Suga tuyên bố không tham gia tranh cử Chủ tịch LDP.
Ông Kishida là người được cho là có lối sống lành mạnh và giản dị. Ông có sở thích tham gia vào mạng xã hội khi lập trang web riêng và dùng Twitter. Trên trang cá nhân này, ông đăng những quan điểm, chính sách của mình, nhất là khi tham gia tranh cử. Hàng loạt các chính sách được đăng lên và nhận được sử ủng hộ của nhiều người dân, cũng như các chính khách Nhật Bản.
Đề xuất chủ nghĩa tư bản mới mang hình thái Nhật Bản
Ông Kishida trong chiến dịch tranh cử, đã đưa ra 3 cam kết và 3 chính sách cần phải thực hiện. Ba cam kết là: Lắng nghe đầy đủ tiếng nói của nhân dân; Hình thành xã hội tôn trọng tính cá biệt và đa dạng; Hướng tới xã hội chia sẻ.
Ba chính sách gồm: Dồn sức thực hiện chính sách ngăn ngừa đại dịch Covid-19; Xây dựng chủ nghĩa tư bản mới mang hình thái Nhật Bản; Chính sách đảm bảo an ninh ngoại giao.
Cụ thể, ông Kishida sẽ nỗ lực giảm chênh lệch thu nhập và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương về kinh tế như người lao động bán thời gian và phụ nữ.
Ông cũng muốn duy trì lãi suất cực thấp để hỗ trợ nền kinh tế vốn bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Ông khẳng định việc mình ra tranh cử để chứng minh Đảng LDP "lắng nghe người dân, đưa ra nhiều lựa chọn và bảo vệ nền dân chủ của Nhật Bản" - một bình luận dường như có ý chỉ trích phong cách quản lý của người tiền nhiệm.
Ông Kishida cho biết ông ủng hộ gói kích thích kinh tế trị giá hàng chục ngàn tỉ yên để giảm bớt tác động tiêu cực của đại dịch đối với nền kinh tế và mong người dân hợp tác thực hiện những biện pháp hạn chế đi lại để làm giảm mức độ lây nhiễm của dịch Covid-19.
Trong đường lối đối ngoại, ông Kishida bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước những hành vi của Trung Quốc trên mặt trận ngoại giao và kinh tế.
Trước đó, vào năm 2015, ông Kishida đạt được một thoả thuận mang tính dấu ấn với Hàn Quốc liên quan đến chấm dứt tranh cãi về những phụ nữ bị ép mua vui trong Thế chiến 2. Nhưng thoả thuận đó đã sụp đổ sau khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In lên cầm quyền, với quan điểm rằng hai chính phủ đã không tham vấn đầy đủ các nạn nhân. Tuy nhiên, điều này luôn được chính phủ Nhật Bản từ đó đến nay kiên trì đưa ra tại các diễn đàn quốc tế, trở thành vấn đề quan tâm của cả người dân.
Với kinh nghiệm chính trường, ông Fumio Kishida được cho là sẽ có nhiều cải cách trong thời gian tới./.