Tấn công mạng: Phép thử quan hệ Nga-Mỹ sau cuộc gặp cấp cao đầu tiên
VOV.VN - Chính phủ Nga cần phải hành động và Mỹ sẵn sàng đáp trả các vụ tấn công mạng nhằm vào nước này.
Đây là thông điệp cứng rắn của Tổng thống Mỹ Joe Biden gửi tới Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc điện đàm cuối tuần qua. Hàng loạt các vụ tấn công mạng diễn ra ngay sau khi Tổng thống Biden tuyên bố, nước Mỹ đang dần mất kiên nhẫn trước các vụ tấn công mạng, khiến ông phải đối mặt với sức ép cần phải hành động cứng rắn nhằm vào Nga.
Cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ cho thấy mức độ đe dọa của các vụ tấn công mạng đối với an ninh quốc gia Mỹ trong tương lai. Các vụ tấn công bằng mã độc tống tiền mới nhất, có thể ảnh hưởng đến khoảng 1.500 doanh nghiệp trên toàn thế giới, được các chuyên gia an ninh mạng cho rằng có liên quan đến REvil, một băng nhóm tin tặc có trụ sở tại Nga. Tổng thống Biden cho biết Nga phải có “ trách nhiệm” ngăn chặn các tổ chức tội phạm mạng tại quốc gia này:
"Mỹ hi vọng Nga sẽ hành động nếu chúng tôi cung cấp đủ thông tin, bằng chứng cho thấy các nhóm tin tặc này là ai, dù họ không phải do chính phủ Nga trực tiếp bảo trợ. Hai bên cũng thiết lập thông tin liên lạc thường xuyên để có thể trao đổi nhanh về những diễn biến xảy ra tại mỗi quốc gia”, ông Biden nói.
Điều đáng nói hàng loạt vụ tấn công mạng diễn ra vài tuần sau khi Tổng thống Biden yêu cầu nhà lãnh đạo Nga phải có biện pháp mạnh mẽ để trấn áp các hoạt động tội phạm mạng trong khuôn khổ cuộc gặp đầu tiên tại Geneva vào tháng 6/2021. Vì vậy, một số thành viên đảng viên Cộng hòa chỉ trích Tổng thống Biden đang có chính sách quá mềm mỏng với Nga. Chính phủ Nga hiện vẫn khẳng định thực hiện các thỏa thuận đạt được tại cuộc gặp Geneva và phủ nhận Cơ quan tình báo đối ngoại Nga có liên quan đến một số vụ tấn công.
Người phát ngôn Điện Kremlin ông Dmitry Peskov nhấn mạnh: “Có một số cuộc tiếp xúc diễn ra hai bên trong khuôn khổ thỏa thuận đạt được tại Geneva về cơ chế tham vấn an ninh mạng. Tôi khẳng định vụ tấn công mạng nhằm vào Ủy ban Quốc gia của đảng Cộng hòa không liên quan đến chính phủ Nga”.
Thực tế các cuộc tấn công gần đây không nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ. Tuy nhiên điều đó cũng cho thấy những thách thức của Tổng thống Biden trong việc tìm cách thúc ép Nga trấn áp các nhóm tội phạm mạng nhằm mục tiêu vào Mỹ. Với mục tiêu xây dựng một mối quan hệ ổn định, "có thể đoán trước được", Tổng thống Biden sẽ không có nhiều lựa chọn để đưa ra biện pháp cứng rắn nhằm vào Nga. Các hành động trừng phạt cứng rắn chống Nga có thể leo thang thành cuộc chiến “ăn miếng trả miếng”, làm gia tăng căng thẳng giữa các siêu cường hạt nhân.
Tất nhiên phía Mỹ cũng có những “lằn ranh đỏ” mà Nga không được phép vượt qua. Theo đó, Mỹ đã chuyển cho Nga danh sách 16 cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm hệ thống nước và lĩnh vực năng lượng của nước này, cần được bảo vệ đặc biệt. Theo giới quan sát, việc Nga và Mỹ xác định lằn ranh đỏ rất quan trọng, giúp hai bên có những bước điều chỉnh để không leo thang thành cuộc tấn công mạng quy mô lớn hoặc trở thành một cuộc xung đột vượt ra ngoài không gian mạng. Dự kiến, quan chức hai nước trong tuần này cũng nhóm họp thảo luận về vấn đề an ninh mạng./.