Tân Thủ tướng Anh sẽ “vượt qua cơn bão” bằng cách nào?
VOV.VN - Ngay sau khi nhậm chức ngày 6/9, tân Thủ tướng Anh Liz Truss đã công bố nội các và các ưu tiên chính sách. Đây sẽ là sự khởi đầu cho việc chính phủ mới của Anh giải quyết những thách thức được nhận định là chưa từng có kể từ sau chiến tranh Thế giới thứ hai.
Ngoài một loạt vấn đề khó khăn như lạm phát cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ hay giá năng lượng tăng phi mã, dự kiến sẽ tăng 80% vào tháng tới, nước Anh cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề đối ngoại phức tạp như mối quan hệ rạn nứt với EU hay sự can dự trong chiến sự tại Ukraine... Những định hướng chính sách ngay trong những ngày đầu thành lập chính phủ sẽ hé mở cách tân Thủ tướng Anh vượt qua các thách thức.
Chính phủ đa dạng nhất trong lịch sử Anh
Việc lần đầu tiên trong lịch sử chính trường Anh không có người đàn ông da trắng nào nắm giữ 4 vị trí quan trọng nhất trong chính phủ là một chi tiết rất đáng chú ý. Điều đáng nói, ngoài ông Kwasi Kwarteng vốn là một đồng minh rất thân cận với bà Liz Truss và được coi là người có những quan điểm chính trị tương đồng nhất nên không gây ngạc nhiên khi được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Tài chính. Các nhân vật còn lại là ông James Cleverly, Ngoại trưởng và bà Suella Braverman, Bộ trưởng Nội vụ được xem là các lựa chọn tương đối bất ngờ.
Báo chí và dư luận Anh đánh giá tương đối tích cực về việc bổ nhiệm này vì cho rằng việc các chính trị gia có nguồn gốc từ các cộng đồng da màu và nhập cư được nắm giữ các chức vụ quan trọng trong chính phủ là một thông điệp cho thấy mức độ cởi mở của xã hội Anh và phần nào đó là sự thành công trong việc gắn kết và hoà nhập của các cộng đồng nhập cư.
Tuy nhiên, việc lựa chọn thành phần nội các mới của bà Liz Truss vẫn có những điểm gây tranh cãi. Đầu tiên, đó là những gương mặt mới trong Chính phủ Anh hầu hết đều là các đồng minh chính trị, những người thân cận với bà Liz Truss trong khi rất nhiều tên tuổi đáng chú ý khác trong đảng Bảo thủ lại không được lựa chọn. Điểm chung của những người không được chọn này là đã ủng hộ những đối thủ của bà Liz Truss trong cuộc đua vào vị trí lãnh đạo đảng vừa qua. Ngoài ra, rất nhiều chính trị gia có kinh nghiệm của đảng Bảo thủ, đã và đang giữ các vị trí trong chính phủ của ông Boris Johnson, cũng bị gạt bỏ, như ông Dominic Raab, bà Nadine Dorries, ông Grant Shapps…
Giới phân tích tại Anh cho rằng, việc bà Liz Truss ưu tiên lựa chọn toàn các nhân vật thân cận và trung thành với mình thay vì đa dạng hoá thành phần nội các sẽ chỉ càng khiến cho các mâu thuẫn nội bộ trong đảng Bảo thủ trở nên nghiêm trọng hơn.
Dù bà Liz Truss đã thắng ông Rishi Sunak trong cuộc bỏ phiếu của các đảng viên đảng Bảo thủ nhưng tại các vòng sơ loại do các nghị sĩ đảng Bảo thủ bầu, bà Liz Truss chỉ được khoảng 1/3 số nghị sĩ đảng này ủng hộ. Do đó, việc bà Liz Truss dành hầu hết ghế trong chính phủ cho các nhân vật thân cận của mình sẽ khiến mối quan hệ giữa chính phủ của bà Liz Truss với các nhóm nghị sĩ đảng Bảo thủ tại Hạ viện Anh thêm phức tạp hơn.
Ngày 7/9, báo chí Anh nói khá nhiều về bà Thérèse Coffey, người được đánh giá là thân cận nhất với bà Liz Truss và được bà Truss đưa lên cương vị Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Y tế và xem đây là ví dụ điển hình của việc bà Liz Truss ưu ái các đồng minh thân cận. Tiếp đến, đa số các gương mặt được bà Liz Truss đưa vào nội các lại đều thuộc về cánh hữu của đảng Bảo thủ, những người có chung các quan điểm như ủng hộ chính sách thuế thấp, không coi trọng chiến lược môi trường để đạt mức trung hoà các-bon… Vì thế, có không ít người hoài nghi liệu chính phủ mới tại Anh có thực sự nắm bắt được thực tế chính trị hay các ưu tiên chiến lược dài hạn của Anh hay không.
Cam kết đưa nước Anh “vượt qua cơn bão”
Trong ngày 7/9, bà Liz Truss đã có cuộc họp nội các đầu tiên và sau đó có phiên trả lời chất vấn đầu tiên tại Hạ viện Anh. Các đối thủ chính trị của bà Liz Truss đã đưa ra rất nhiều câu hỏi, trong đó gay gắt nhất là về chính sách năng lượng. Tuy bà Liz Truss đã né tránh việc đề cập chi tiết nhưng theo dự kiến, trong ngày 8/9, nữ Thủ tướng Anh sẽ tiếp tục có một bài phát biểu tại Hạ viện Anh để công bố chính sách ứng phó với giá năng lượng và giá cả sinh hoạt tăng chóng mặt tại Anh trong thời gian qua.
Theo báo chí Anh, bà Liz Truss sẽ thông báo chính sách đóng băng hoá đơn điện, khí đốt tại Anh ở mức 2.500 bảng, tức nếu hoá đơn của các hộ gia đình tại Anh cao hơn 2.500 bảng, Chính phủ Anh sẽ chi tiền để trả cho phần trội hơn đó. Nếu chính sách này được thực hiện, các hộ gia đình tại Anh sẽ giảm được rất nhiều tổn thất về kinh tế, bởi theo ước tính, hoá đơn điện, khí đốt của các hộ gia đình Anh sẽ tăng đến 80% vào tháng 10/2022.
Giới kinh tế ước tính, chính sách này sẽ tiêu tốn của chính phủ Anh một số tiền khổng lồ, khoảng 150 tỷ bảng. Đây sẽ là khoản tiền trợ cấp lớn thứ hai trong lịch sử nước Anh, chỉ sau khoản tiền 400 tỷ bảng đã được chi trong đại dịch Covid-19 vừa qua.
Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, bà Liz Truss đã phản đối cả hai chính sách là đóng băng hoá đơn năng lượng và trợ cấp cho người dân nhưng khi đã nhậm chức Thủ tướng và đối mặt với thực tế khắc nghiệt, bà Liz Truss phải thay đổi quan điểm.
Hiện thắc mắc lớn nhất là chính phủ của bà Liz Truss sẽ lấy số tiền 150 tỷ bảng đó từ đâu? Qua phát biểu trước đó của một số quan chức trong chính phủ Anh, đặc biệt là tân Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng, nhiều khả năng chính phủ Anh sẽ đi vay khoản tiền này, thay vì đánh thuế vào lợi nhuận khổng lồ kiếm được trong thời gian qua của các tập đoàn kinh doanh dầu mỏ và khí đốt. Công đảng đối lập đã ngay lập tức chỉ trích là bà Liz Truss đã ký một tấm “séc trắng” cho các tập đoàn năng lượng khổng lồ trong khi lại buộc người dân Anh phải gánh trách nhiệm trả nợ.
Ưu tiên chính sách đối ngoại
Các cuộc điện đàm đầu tiên của bà Liz Truss trên cương vị Thủ tướng Anh là với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và sau đó là với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Điều này cho thấy, xung đột Nga-Ukraine vẫn sẽ là một trong những trọng tâm hành động trong chính sách đối ngoại của bà Liz Truss.
Bà Liz Truss cũng cam kết với ông Zelensky rằng nước Anh sẽ tiếp tục trợ giúp Ukraine dài hạn. Các tuyên bố này không khác biệt so với chính phủ của ông Boris Johnson và so với các tuyên bố của bà Liz Truss khi còn là Ngoại trưởng nên có thể nhận định, nước Anh sẽ tiếp tục giúp Ukraine huấn luyện binh sĩ trên đất Anh, viện trợ quân sự cho Ukraine và vẫn sẽ chống Nga quyết liệt.
Mặc dù chính sách đối ngoại có thể coi là lĩnh vực thế mạnh của bà Liz Truss nhưng tân Thủ tướng Anh chưa đưa ra bất cứ một tầm nhìn mới, một định hình mới nào về chính sách đối ngoại. Mỹ trước sau vẫn là đồng minh thân cận và quan trọng nhất với Anh. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden, bà Liz Truss khẳng định sẽ tiếp tục sát cánh cùng Mỹ chống Nga và Trung Quốc.
Các phát biểu liên quan đến Trung Quốc có thể xem là một nét mới đáng chú ý. Dưới thời ông Boris Johnson, mặc dù quan hệ Anh-Trung Quốc đã trở nên rất căng thẳng nhưng cựu Thủ tướng Boris Johnson vẫn tuyên bố muốn hợp tác với Trung Quốc khi có thể, thậm chí có lần tự nhận mình là một người mến mộ Trung Quốc còn bà Liz Truss tuyên bố coi Trung Quốc là “mối đe doạ với an ninh quốc gia” ngay trong khi đang tranh cử.
Về mặt đối ngoại, thách thức phức tạp và tế nhị nhất ngay trước mắt với bà Liz Truss có lẽ sẽ là mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU). Khi là Ngoại trưởng, bà Liz Truss đã nhiều lần công khai ủng hộ việc ra một đạo luật để xé bỏ Nghị định thư Bắc Ireland trong thoả thuận Brexit, đồng thời thể hiện không ngần ngại đối đầu với EU.
Ở cương vị Thủ tướng Anh, bà Liz Truss đã có đủ quyền lực để thực thi ý định này nhưng khi đó sẽ phải đối măt với các phản ứng quyết liệt từ EU, thậm chí từ Mỹ. Trong ngày 7/9, Nhà Trắng đã phát đi thông điệp cho biết bất cứ một động thái nào làm tổn hại đến Thoả thuận “Ngày Thứ Sáu tốt lành” trên đảo Ireland cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến các đàm phán về thương mại giữa Mỹ và Anh. Đây là cảnh báo rõ ràng đến chính phủ của bà Liz Truss rằng nếu nước Anh đơn phương hành động, huỷ bỏ các cam kết trong thoả thuận Brexit đã ký với EU, qua đó đe doạ tiến trình hoà bình trên đảo Ireland, Hiệp định tự do thương mại mới mà Anh đang mong muốn ký kết với Mỹ sẽ khó có thể đạt được.
Về phía EU, các lãnh đạo cao nhất của EU cũng đã cảnh báo mạnh mẽ rằng EU sẵn sàng thảo luận lại với chính phủ Anh một giải pháp mà cả hai bên chấp nhận được trong vấn đề Bắc Ireland nhưng nếu Anh hành động đơn phương thì EU sẽ đáp trả quyết liệt bằng cách tái áp đặt thuế quan lên hàng hoá Anh xuất sang thị trường EU. Do đó, dù muốn hay không, bà Liz Truss cũng sẽ phải định hình được một khuôn khổ quan hệ mới với EU và một số thành viên EU quan trọng, đặc biệt là Pháp. Về tổng thể, trong bối cảnh kinh tế vô cùng khó khăn hiện nay, có lẽ bà Liz Truss sẽ phải ưu tiên đối nội hơn đối ngoại./.