Tàu Curiosity hạ cánh thành công xuống sao Hỏa

Nhiệm vụ của Curiosity là đánh giá xem liệu sao Hỏa đã từng có có dấu vết sự sống hay không.  

Sau một chuyến đi dài vượt hơn 566 triệu km trong hơn 8 tháng, tàu thám hiểm tự hành Curiosity của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã hạ cánh thành công xuống bề mặt sao Hỏa vào lúc khoảng 1:32 giờ ET (tương đương 6:32 giờ GMT) sáng  6/8 ( tức 12h32’ giờ Việt Nam) sau chuyến đi dài hơn 8 tháng từ Trái đất.

Tàu thám hiểm tự hành Curiosity của NASA trong hành trình hạ cánh xuống Sao hỏa (Ảnh: Chinanews)

Như vậy, tàu Curiosity đã xuất sắc vượt qua giai đoạn mà các nhà khoa học của NASA gọi là 7 phút kinh hoàng”, trong đó, tàu thám hiểm tự hành này phải đâm xuyên qua bầu khí quyển sao Hỏa có mức nhiệt độ lên tới 871 độ C với vận tốc đạt 20.920km/h.

Trang The Verge dẫn lời lãnh đạo NASA Charles Bolden, Jr. tuyên bố: Đây là một ngày trọng đại đối với nước Mỹ. Mọi người trong buổi sáng hôm nay phải nín thở trong lồng ngực và nói: "Tàu thám hiểm tự hành của tôi đã có mặt trên sao Hỏa vì nó thuộc về tất cả chúng tôi”.

Trung tâm kiểm soát sứ mệnh thám hiểm sao Hỏa của NASA cũng đã lên tiếng xác nhận tàu thăm dò Curiosity đang lăn bánh trên sao Hỏa” và công bố những bức ảnh đầu tiên về hành tinh đỏ mà Curiosity đã chụp được.

Sau 9 năm chuẩn bị, tiêu tốn hơn 2,5 tỷ USD, tàu thám hiểm Curiosity của NASA đã thành công khi đến được sao Hỏa.

Tàu Curiosity được phóng đi từ mũi Canaveral, bang Florida hồi tháng 11/2011. Đây là tàu thăm dò thứ 4 mà NASA phóng lên “hành tinh Đỏ”, nhưng quy mô và độ tinh vi của nó hơn hẳn các dự án trước đó.

Nhiệm vụ của Curiosity là đánh giá xem liệu sao Hỏa đã từng có, hoặc vẫn còn cho đến ngày nay một môi trường có khả năng tạo điều kiện cho các vi sinh vật tồn tại hay không.

Theo kế hoạch ban đầu, Curiosity dự kiến sẽ hoạt động trên sao Hoả khoảng 2 năm. Tuy nhiên, nhiều người hy vọng rằng sứ mệnh này sẽ tiếp tục, có thể kéo dài tới 1 thập niên hoặc hơn.

Nếu mọi kế hoạch đều suôn sẻ, tàu Curiosity sẽ hỗ trợ con người trên Trái đất khám phá nhiều bí ẩn của hành tinh Đỏ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên