Tàu Hằng Nga-6 của Trung Quốc thành công hạ cánh xuống vùng tối Mặt Trăng
VOV.VN - Sáng nay (2/6), tàu Hằng Nga-6 của Trung Quốc đã hạ cánh thành công xuống vùng tối của Mặt Trăng, bắt đầu nỗ lực đầu tiên trên thế giới nhằm thu thập vật chất tại đây để đưa trở về Trái Đất.
Truyền thông Trung Quốc dẫn nguồn tin từ Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) cho biết, vào lúc 6h23 sáng 2/6 (giờ địa phương), tổ hợp tàu đổ bộ và tàu bay lên của Hằng Nga-6 (Chang'e-6) đã hạ cánh thành công xuống khu vực đã định tại lòng chảo Cực Nam-Aitken ở vùng tối của Mặt Trăng, dưới sự hỗ trợ của vệ tinh chuyển tiếp Thước Kiều-2 (Queqiao-2).
Theo cơ quan này, Hằng Nga-6 sẽ thực hiện việc thu thập vật chất từ vùng tối của Mặt Trăng đưa trở về Trái Đất lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Sứ mệnh này có nhiều cải tiến kỹ thuật, rủi ro cao và khó khăn hơn sứ mệnh lấy mẫu vật ở mặt trước Mặt Trăng của tàu Hằng Nga-5 năm 2020.
Hằng Nga-6 sẽ hoàn thành các bước quan trọng như lấy mẫu nhanh thông minh và cất cánh từ vùng tối Mặt Trăng dưới sự hỗ trợ của vệ tinh chuyển tiếp Thước Kiều-2.
Trong một phát biểu trên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), ông Lu Yunthong thuộc Tập đoàn Khoa học Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC), cho biết: “Hơn 10 lần lấy mẫu đã được thực hiện trên khắp thế giới, tất cả đều ở phía trước của Mặt Trăng. Ở vùng tối của Mặt Trăng có thể có đất đá niên đại cổ xưa hơn. Dù lấy được mẫu đất gì ở vùng tối, thì giá trị khoa học cũng khá cao.”
Được biết, toàn bộ quá trình từ khi phóng đến khi trở về của Hằng Nga-6 sẽ kéo dài hơn 50 ngày, tuy nhiên việc lấy mẫu sẽ chỉ diễn ra trên bề mặt Mặt Trăng trong vòng 48 giờ.
Hằng Nga-6 sẽ tiếp tục sử dụng phương pháp lấy mẫu của Hằng Nga - 5 gồm thu thập trên bề mặt và khoan vào lòng đất, nhằm thu được các mẫu vật ở các bề mặt và độ sâu khác nhau.
Theo kế hoạch, tàu đổ bộ sẽ thu thập khoảng 2000 gram mẫu vật gồm đất và đá Mặt Trăng và thực hiện thăm dò khoa học tại khu vực hạ cánh.
Trước đó một tháng, Trung Quốc đã phóng tàu Hằng Nga-6 lên quỹ đạo vào ngày 3/5. Sứ mệnh này là một phần trong giai đoạn 4 Chương trình thám hiểm Mặt Trăng của nước này và cũng là nhiệm vụ quan trọng nhằm đạt được mục tiêu của giai đoạn này là xây dựng phiên bản cơ bản của Trạm nghiên cứu Mặt Trăng quốc tế (ILRS) vào năm 2035.
Sứ mệnh này cũng tạo tiền đề cần thiết để Trung Quốc đưa người lên Mặt Trăng dự kiến vào trước năm 2030.