Tàu ngầm Nga hoạt động gần bờ biển Mỹ mà không bị phát hiện
Giới chức Mỹ từ chối bình luận thông tin về tàu ngầm hạt nhân Nga ở Vịnh Mexico.
Tàu ngầm hạt nhân có khả năng mang tên lửa hành trình tầm xa của Nga đã bí mật hoạt động tại Vịnh Mexico cách không xa bờ biển Mỹ gần 1 tháng nay mà không bị phát hiện.
Thông tin này được đăng tải trên trang web Washington Free Beacon của tổ chức “Trung tâm Tự do nước Mỹ”. Tác giả bài báo là Bill Gertz - người nổi tiếng trong giới báo chí có liên quan mật thiết tới Lầu Năm Góc và các cơ quan tình báo Mỹ.
Một chiếc tàu ngầm hạt nhân thuộc dự án 971 Shchuka-B của Nga (Ảnh: AFP) |
Chiếc tàu ngầm bị nghi ngờ đã thực hiện hành trình nói trên là một chiếc Akula có trang bị thủy lôi và tên lửa hành trình.
“Những chiếc Akula được chế tạo từ thời Liên Xô chỉ với một mục đích: tiêu diệt các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo và thủy thủ đoàn của Mỹ - quan chức giấu tên nói - Đó là loại tàu ngầm được che chắn rất kỹ, có thể bơi loanh quanh ngoài bờ biển mà không bị phát hiện”.
Theo lời của Bill Gertz thì đây là loại tàu ngầm hạt nhân khó bị radar phát hiện nhất hiện nay của Nga.
Bài báo dẫn các nguồn giấu tên nói đây là lần thứ hai kể từ năm 2009 tàu ngầm tấn công của Nga áp sát bờ biển Mỹ. Các quan chức Mỹ cũng nghi ngờ hoạt động của chiếc tàu ngầm này là nhằm tìm ra những lỗ hổng trong hệ thống phòng vệ tàu ngầm của Mỹ.
Bài báo cũng nhắc lại sự việc trong năm nay khi máy bay ném bom của Nga bay gần không phận của Mỹ. Khi đó Lầu Năm Góc đã không tỏ ra quá e ngại mà chỉ xem đó là một cuộc tập luyện máy bay đường dài. Và trong lần này thì phát ngôn viên của Hải quân Mỹ cũng từ chối bình luận thông tin về tàu ngầm hạt nhân Nga ở Vịnh Mexico.
Tuy nhiên bài báo đặt ra nhiều câu hỏi lớn liên quan tới hệ thống vũ khí của tàu này. Gerzt viết nó được trang bị “tên lửa hành trình phục vụ cho dự định huỷ diệt các tàu ngầm Mỹ”. Trong khi đó theo hãng thông tấn Itar-tass và những nguồn tin quân sự mở của Nga thì con tàu này thuộc thế hệ tàu ngầm nguyên tử lớn nhất thế giới được sản xuất vào những năm 80 với trang bị tên lửa xuyên lục địa.
Tàu ngầm Akula được sản xuất tại Cục Thiết kế cơ khí hàng hải Saint-Peterburg theo yêu cầu của chính quyền Liên Xô cũ nhằm đối đầu với thế hệ tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo “Ohio” của Mỹ. Thế hệ tàu ngầm Akula cho tới nay vẫn là thế hệ tàu ngầm hạt nhân có kích thước lớn nhất thế giới, có sử dụng tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn xuyên lục địa R-39 (RSM-52).
Trong khi đó, theo tờ Lenta (Nga), chiếc tàu ngầm mà tờ The Washington Free Beacon nói đến trong bài báo trên có thể là một chiếc thuộc dự án 971 Shchuka-B (mà NATO gọi là Akula). Đây là những chiếc tàu ngầm đa mục đích của Hải quân Nga. Nga đã sản xuất 15 chiếc tàu ngầm loại này và hầu hết được triển khai trong Hạm đội Biển Bắc và Hạm đội Thái Bình Dương.
Nhà phân tích hải quân Normal Polmar cho rằng việc đưa một chiếc tàu ngầm tấn công hạt nhân tới vịnh Mexico là “một động thái từ Tổng thống Vladimir Putin cho thấy Nga vẫn là một nhân tố chính trị - quân sự có ảnh hưởng toàn cầu cần phải tính đến”. “Giống như việc triển khai lực lượng do một tàu chiến hạt nhân dẫn đầu ở Caribe mới đây, hải quân Nga là phương tiện để ông Putin cho thấy nước Nga vẫn còn đầy đủ năng lực trên không và dưới biển”, ông Polmar nói./.