Tàu Thiên Châu-5 lập kỷ lục về chuyến bay nhanh nhất lên trạm vũ trụ
VOV.VN - Trưa 12/11, tàu vũ trụ chở hàng Thiên Châu-5 (Tianzhou-5) của Trung Quốc đã kết nối thành công với Trạm vũ trụ Thiên Cung chỉ trong khoảng hai giờ sau khi phóng lên, lập kỷ lục mới về chuyến bay nhanh nhất lên trạm vũ trụ.
Theo Văn phòng Chương trình vũ trụ có người lái Trung Quốc, tàu chở hàng Thiên Châu-5 đã được phóng lên trạm vũ trụ của nước này bằng tên lửa đẩy Trường Chinh-7 vào lúc 10h03 ngày 12/11. Sau khi đi vào quỹ đạo định sẵn, Thiên Châu-5 đã nhanh chóng cập bến và lắp ghép với khoang lõi Thiên Hòa của Trạm vũ trụ Thiên Cung vào lúc 12h10 cùng ngày.
Đây là lần đầu tiên tàu vũ trụ của Trung Quốc có thể kết nối tự động và nhanh chóng với trạm vũ trụ chỉ trong vòng hai giờ, phá vỡ kỷ lục 3 giờ 3 phút do tàu vũ trụ có người lái “Soyuz MS-17” của Nga thiết lập vào ngày 14/10/2020 trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), đánh dấu bước đột phá mới trong công nghệ cập bến và kết nối trên không gian của Trung Quốc.
Đột phá công nghệ này có ý nghĩa thực tiễn quan trọng đối với hoạt động lâu dài trên quỹ đạo của trạm vũ trụ Trung Quốc, giúp rút ngắn đáng kể thời gian vận chuyển, biến việc đưa các vật phẩm thí nghiệm tươi sống đặc biệt lên không gian trở thành điều có thể và nâng cao đáng kể khả năng ứng cứu khẩn cấp trong không gian. Nếu công nghệ này được áp dụng cho series tàu vũ trụ có người lái Thần Châu, sẽ giúp giảm đáng kể thời gian bay của các phi hành gia lên trạm vũ trụ.
Trước đó, tàu chở hàng Thiên Châu-1 đã phải mất khoảng hai ngày để kết nối với phòng thí nghiệm vũ trụ Thiên Cung-2 vào ngày 22/4/2017. Với công nghệ kết nối nhanh tự động, tàu Thiên Châu-2 đã kết nối với mô-đun lõi Thiên Hòa của trạm vũ trụ vào ngày 30/5/2021 khoảng 8 giờ sau khi phóng. Thời gian này đã giảm xuống khoảng 6,5 giờ đối với tàu Thiên Châu-3 và Thiên Châu-4 và được thực hiện vào các ngày 20/9/2021 và 10/5/2022.
Được biết, tàu chở hàng Thiên Châu-5 mang theo khoảng 6,7 tấn vật tư, thiết bị và nhu yếu phẩm cho 3 phi hành gia của tàu Thần Châu-15, dự kiến sẽ được phóng vào cuối tháng 11, sử dụng trong vòng 6 tháng./.