Tây Ban Nha khó lòng chống đỡ nổi “virus nợ công”
Tây Ban Nha sẽ là quốc gia thứ tư tìm kiếm sự giúp đỡ kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ công trong khu vực đồng euro bùng phát.
Trong khi thời điểm Hy Lạp phải rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) đang đến gần, Tây Ban Nha- nền kinh tế lớn thứ tư trong khối rất có thể cũng phải cầu viện sự giúp để giải cứu hệ thống ngân hàng của nước này vốn bị “virus nợ công” làm cho kiệt quệ.
Hãng tin Reuter của Anh dẫn lời một số quan chức Liên minh châu Âu và Đức nói rằng, các Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng euro sẽ tổ chức một cuộc họp trong ngày 8/6 để thảo luận việc giúp đỡ hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha. Nếu đúng, Tây Ban Nha sẽ là quốc gia thứ tư tìm kiếm sự giúp đỡ kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ công trong khu vực đồng euro bùng phát. Tuy nhiên, cả Chính phủ Tây Ban Nha và Liên minh châu Âu đã bác bỏ thông tin này.
Các ngân hàng Tây Ban Nha buộc phải sáp nhập để giải quyết tình trạng nợ xấu từ tín dụng bất động sản (Ảnh: Reuters) |
Liên minh châu Âu cũng tuyên bố, nếu có một đề xuất được Chính phủ Tây Ban Nha đưa ra họ sẵn sàng phản ứng ngay và khẳng định hiện chưa có một đề xuất nào được đưa ra.
Ông Amadeu Altafaj, người phát ngôn của Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề kinh tế nói:“Chúng tôi không biết về bất kỳ một đề nghị cứu trợ nào từ chính quyền Tây Ban Nha, vì vậy thậm chí chúng tôi không nghĩ đến việc triệu tập một phiên họp của khu vực đồng euro”.
Trong diễn biến có liên quan, cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố, Đức sẽ không gây sức ép để buộc Tây Ban Nha phải nộp đơn xin cứu trợ quốc tế.
Phát biểu với báo giới tại thủ đô Berlin, Thủ tướng Angela Merkel nhấn mạnh: “Những nước muốn sử dụng tình đoàn kết trong khối phải tự đưa ra đề xuất. Về vấn đề này, chúng tôi đã làm mọi điều cần thiết cho một sự phát triển ổn định của khu vực đồng euro, và vì vậy Đức sẽ không gây sức ép với bất kỳ nước nào” .
Cũng trong ngày 8/6, Tổng thống Mỹ Barack Obama hối thúc các nhà lãnh đạo châu Âu áp dụng thêm các biện pháp quyết liệt hơn nhằm ổn định hệ thống tài chính đang gặp khó khăn của châu lục này, mặt khác kêu gọi Quốc hội Mỹ gạt bỏ các bất đồng về đảng phái để sớm thông qua gói đề xuất kinh tế của Nhà Trắng. Ông Barack Obama xác định đây là hai định hướng lớn mà Nhà Trắng đã và đang theo đuổi nhằm thúc đẩy đà phục của nền kinh tế Mỹ, đồng thời ngăn chặn các tác động của cuộc khủng hoảng châu Âu đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Cho dù Chính phủ Tây Ban Nha kiên quyết bác bỏ sự cầu viện quốc tế ở thời điểm này, song với việc hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế Fitch vừa hạ ba bậc của nước này (từ A xuống BBB), và việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế khẳng định hệ thống ngân hàng của Tây Ban Nha cần được bơm ngay ít nhất 40 tỷ euro, cho thấy đã đến lúc Madrid đã không thể tự mình “chống đỡ” cơn bão nợ công./.