Thả hổ Amur về với thiên nhiên ở vùng Primore-Nga
VOV.VN - Ngày 27/5, Trung tâm hổ Amur và Bộ Lâm nghiệp và Bảo vệ động vật hoang dã vùng Primore (Nga) đã thả một con hổ Amur về với tự nhiên trong rừng taiga, sau khoảng 3 tháng được chữa lành vết thương.
Đây là một trong những nỗ lực lớn của các cơ quan, tổ chức của Nga trong bảo vệ và sinh sản hổ Amur quý hiếm, được liệt kê trong sách đỏ, những năm gần đây.
Chỉ trong khoảnh khắc sau khi cửa cũi được mở ra, con hổ Amur đã nhanh chóng lao ra ngoài và chạy biến vào rừng. Nó đã được trở về với thiên nhiên hoang dã, môi trường sống ưa thích. “Ngôi nhà” mới của nó là Khu bảo tồn Taezhny ở quận Krasnoarmeysky thuộc vùng Primore-Nga. Việc thả hổ do Trung tâm Hổ Amur, Bộ Lâm nghiệp và Bảo vệ Động vật hoang dã vùng Primore và Trung tâm Phục hồi Hổ và Động vật Quý hiếm khác thực hiện.
Trước đó, hồi cuối tháng 2, con hổ non này (khoảng 20-24 tháng tuổi) đã bị bắt, sau khi tấn công những con chó trong vài tuần ở ngôi làng ven biển Verkhniy Pereval. Nó được đưa đến Trung tâm phục hồi chức năng và kiểm tra. Con hổ có một vết rách trên bàn chân trước và một trong những chiếc răng nanh của nó bị gãy. Sau 3 tháng được chăm sóc, con hổ đã phục hồi và trải qua các đợt huấn luyện về khả năng săn mồi và ẩn nấp khi có dấu hiệu của con người cũng như hoạt động của con người.
Thứ trưởng thứ nhất Bộ Lâm nghiệp và Bảo vệ động vật hoang dã vùng Primore Alexei Surovoy cho biết, địa điểm thả hổ đã được lựa chọn kỹ lưỡng: “Chúng tôi quyết định thả nó ở nơi phù hợp để nó có thể sống ở đó. Tức là ở đây không có các con hổ đực khác, có số lượng lớn động vật móng guốc, đủ thức ăn, xa khu dân cư, lãnh thổ được bảo vệ tốt, một mặt là từ Cơ quan giám sát quốc gia (Gosokhotnadzor), một mặt là từ những người sử dụng lãnh thổ”.
Trước khi thả, con hổ đã được đeo vào cổ một chiếc vòng định vị GPS - nó sẽ cho phép quan sát các chuyển động của con vật. Trung tâm hổ Amur có kế hoạch theo dõi thường xuyên quá trình thích nghi của động vật ăn thịt trong tự nhiên.
Ông Sergey Aramilev, Tổng giám đốc Trung tâm Hổ Amur cho biết, đây là con hổ thứ 14 được thả về tự nhiên, tính từ năm 2013: “Trước đây, thời Liên Xô đã từng thả những con hổ, nhưng không phải luôn luôn thành công. Vấn đề chính không phải là thả hổ, mà để sau đó nó không đến chỗ con người. Đối với nhiều nước, đây là những vấn đề lớn, nhưng ở Nga người ta đã học cách nuôi hổ trong các trung tâm phục hồi, để sau đó chúng không đến chỗ con người nữa”.
Việc phục hồi và sinh sản loài hổ Amur, cũng như chiến lược bảo tồn chúng là những chủ đề quan trọng sẽ được thảo luận tại Diễn đàn Hổ Quốc tế lần thứ hai, diễn ra vào ngày 5/9 tại thành phố Vladivostok-Nga. Sự kiện cũng sẽ trở thành nền tảng hợp tác về thông tin và hỗ trợ chuyên gia, trao đổi dữ liệu nhằm mở rộng mạng lưới đối tác và tăng cường quan hệ quốc tế. Việc tổ chức Diễn đàn sẽ thu hút thêm sự quan tâm của công chúng đến các vấn đề bảo vệ động vật hoang dã.
Diễn đàn Quốc tế đầu tiên về các vấn đề liên quan đến bảo tồn loài hổ trên Trái đất được tổ chức vào năm 2010 tại St.Petersburg và quy tụ đại diện của 13 quốc gia - những quốc gia có môi trường sống truyền thống của loài săn mồi sọc. Sự kiện đặt ra mục tiêu tăng gấp đôi số lượng hổ trong tự nhiên trong vòng 12 năm. Tại Nga, theo sáng kiến của Tổng thống V.Putin, Trung tâm hổ Amur đã được thành lập để bảo vệ quần thể loài động vật này.
Theo số liệu thống kê năm 2005, trên toàn thế giới, loài hổ này chỉ còn khoảng 331-393 cá thể. Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, nhờ nỗ lực bảo tồn loài động vật hoang dã này của Nga, vào năm 2015, đã có khoảng 480 - đến 540 cá thể hổ Amur, trong đó hơn 90% sống tại các vùng Primore và Khabarovsk của Nga./.