Thái Lan bước vào cuộc trưng cầu ý dân về dự thảo Hiến pháp mới
VOV.VN - Bản Hiến pháp mới được coi là sự mở đường cho cuộc tổng tuyển cử ở Thái Lan vào năm 2017.
Ngày 7/8, khoảng 50 triệu cử tri Thái Lan tham gia cuộc trưng cầu ý dân về bản dự thảo Hiến pháp mới. Cử tri Thái sẽ lựa chọn trả lời có hoặc không đối với 2 câu hỏi: Họ có đồng ý với dự thảo Hiến pháp không? và Thượng viện có được cùng tham gia với Hạ viện để chọn Thủ tướng không?
Quang cảnh bên ngoài một điểm bỏ phiếu.
Theo Uỷ ban bầu cử Quốc gia Thái Lan (EC), mọi công việc chuẩn bị cho sự kiện chính trị quan trọng này đã được hoàn tất. Theo đó, cuộc trưng cầu ý dân sẽ được diễn ra đồng loạt trên cả nước với 94.259 điểm bỏ phiếu được mở cửa từ 8h sáng và kết thúc lúc 16h cùng ngày. Kết quả sơ bộ của cuộc trưng cầu ý dân sẽ được công bố vào lúc 21h (giờ địa phương).
Thái Lan cũng đã tăng cường an ninh tối đa cho cuộc trưng cầu với 200.000 nhân viên cảnh sát và 30.000 nhân viên quân đội. Nước này cũng đã ra lệnh cấm bán đồ uống có cồn kể từ 6h chiều 6/8 và lệnh cấm này sẽ kéo dài cho tới hết ngày 7/8, khi cuộc trưng cầu kết thúc.
Bản Hiến pháp mới được coi là sự mở đường cho cuộc tổng tuyển cử vào năm 2017, đảm bảo nền kinh tế phát triển vững mạnh và chấm dứt một thập kỷ bất ổn về chính trị. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn rất nhiều ý kiến trái chiều về bản dự thảo Hiến pháp mới này.
Vẫn còn rất nhiều người dân Thái Lan phân vân trong việc lựa chọn. |
Phe phản đối cho rằng, bản dự thảo Hiến pháp nhằm mở đường cho quân đội tiếp tục nắm chính quyền sau tổng tuyển cử trong khi phe ủng hộ khẳng định, việc để quân đội tham gia vào chính trường sẽ giúp ổn định đất nước.
Phe quân sự nhấn mạnh, họ là lực lượng duy nhất có thể duy trì sự ổn định trong một đất nước đã bị chia rẽ nghiêm trọng. Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha mới đây cũng đã tuyên bố, ông sẽ bỏ phiếu ủng hộ bản dự thảo Hiến pháp này.
Ông Prayut nhấn mạnh, chính phủ của ông không muốn bám lấy quyền lực nhưng, quốc gia cần sự ổn định trong ít nhất 5 năm tới để có thể thực hiện cải cách và chiến lược phát triển. Thái Lan cần một sự thay đổi, một Hiến pháp mới và một chính phủ mới.
Theo các cuộc thăm dò dư luận trước thềm cuộc trưng cầu, có tới 40% số người được hỏi vẫn băn khoăn trong việc lựa chọn có thông qua hay bác bỏ dự thảo Hiến pháp mới. Chính vì vậy, với một tỷ lệ cử tri được dự đoán và là đi bầu cao và con số còn phân vân lớn thì kết quả của cuộc trưng cầu vẫn rất khó đoán định.
Thái Lan tăng cường an ninh tối đa cho cuộc trưng cầu ý dân. |
Nếu dự thảo Hiến pháp được thông qua sau cuộc trưng cầu ý dân này, như cuộc trưng cầu Hiến pháp năm 2007, cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra theo đúng lộ trình mà Hội đồng trật tự và hoà bình quốc gia (NCPO) đã vạch ra.
Trong khi đó, một kết quả “không đồng ý” thì theo lời tuyên bố của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, cuộc tổng tuyển cử vẫn sẽ diễn ra nhưng đất nước Thái Lan sẽ phải đối mặt với sự bất ổn lớn về chính trị./.