Thái Lan đề xuất tổ chức “tham vấn ASEAN không chính thức” cho vấn đề Myanmar
VOV.VN - Các nhà lãnh đạo ASEAN hôm 9/10 đã nhất trí với đề xuất của Thái Lan về việc tổ chức một cuộc họp "tham vấn không chính thức của ASEAN" tại thủ đô Bangkok vào tháng 12 tới đây nhằm giải quyết vấn đề Myanmar.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Nikorndej Balankura hôm 9/10 cho biết cuộc họp sẽ chỉ giới hạn trong khuôn khổ 10 thành viên ASEAN. Theo ông Nikorndej Balankura, sáng kiến này đã được thông qua bởi chủ tịch của ASEAN là Lào và công tác chuẩn bị cho cuộc tham vấn sẽ được nhanh chóng thực hiện.
Đề xuất của Thái Lan đã được đưa ra trong cuộc hội đàm cấp Bộ trưởng ngay trước thềm Hội nghị cấp cao ASEAN hôm 9/10, được tất cả các nước ASEAN nhất trí đưa vào chương trình nghị sự trong cuộc họp cấp cao và được thông qua ngay sau đó.
Phát biểu tại cuộc họp với các nhà lãnh đạo ASEAN vào cùng ngày, Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra khẳng định ASEAN sẽ tiếp tục là nền tảng trong chính sách đối ngoại của Chính phủ Thái Lan. Bà Paetongtarn cũng nhấn mạnh ASEAN nên gửi một thông điệp thống nhất tới tất cả các bên trong cuộc xung đột ở Myanmar rằng không có giải pháp quân sự, và đã tới lúc phải tiến hành đàm phán.
Thái Lan có chung đường biên giới và mối quan hệ kinh tế mật thiết với Myanmar và những nỗ lực ngoại giao của Thái Lan trong thời gian qua luôn đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy giải quyết vấn đề Myanmar.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Nikorndej Balankura cho biết các thành viên ASEAN thừa nhận rằng tiến trình hướng tới hòa bình ở Myanmar diễn ra rất chậm và ASEAN nên nỗ lực hơn để đẩy nhanh tiến trình này. Theo ông Nikorndej Balankura, điều mà ASEAN mong muốn là mọi giải pháp cho Myanmar phải được thực hiện thông qua các tiến trình do Myanmar dẫn dắt, đồng nghĩa rằng các bên liên quan trong cuộc xung đột phải cùng ngồi lại và thảo luận để cùng đưa ra giải pháp.
Với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2024, Lào sẽ mời tất cả các nước thành viên ASEAN tham dự cuộc tham vấn trong tháng 12 tới đây. Tuy nhiên, Myanmar sẽ chỉ được phép cử công chức cấp cao nhất tới dự cuộc họp, thường là Thư ký thường trực Bộ Ngoại giao.
Kể từ sau cuộc chính biến tại Myanmar vào tháng 2/2021, các cuộc xung đột, giao tranh đã khiến hàng nghìn dân thường phải rời bỏ nhà cửa hoặc sống trong các điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn.
Trong bối cảnh xung đột địa chính trị ngày càng gia tăng, ASEAN đã nhất trí bày tỏ quan điểm của mình thông qua tiếng nói thống nhất liên quan đến tất cả các xung đột và quan ngại trong khu vực, trong đó có vấn đề Myanmar.