Thái Lan lên kế hoạch bỏ phiếu lại cho hàng chục điểm bầu cử
VOV.VN -Không chỉ tìm cách ngăn cản tổng tuyển cử, phe đối lập còn có thể thúc đẩy kế hoạch hủy bỏ kết quả bầu cử.
Người dân Thái Lan bức xúc vì không thể bỏ phiếu tại một điểm bỏ phiếu bị đóng cửa do người biểu tình chống chính phủ ở thủ đô Bangkok cản trở - Ảnh: AFP |
Ngày 3/2, các ủy viên của Ủy ban bầu cử Thái Lan (EC) đã tiến hành nhóm họp ở thủ đô Bangkok để tìm kiếm giải pháp tiến hành bỏ phiếu lại cho hơn 10 nghìn điểm bỏ phiếu không thể mở cửa đón cử tri tới bầu trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra trước đó một ngày.
Ủy ban bầu cử Thái Lan cho biết: theo luật bầu cử ở nước này, Ủy ban bầu cử Thái Lan có thể hoãn bầu cử nếu xảy ra bạo loạn hoặc sự cố khiến các điểm bỏ phiếu không thể mở cửa. Việc tiến hành bỏ phiếu lại sẽ phải được tổ chức trong vòng 180 ngày.
Tuy nhiên, dù gặp rất nhiều khó khăn do sự chống đối của phe đối lập song chính phủ Thái Lan vẫn tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn, thu hút gần 46% số cử tri đi bầu.
Ủy ban bầu cử Thái Lan cho biết: cuộc tổng tuyển cử đã được tổ chức một cách minh bạch và các nhân viên bầu cử đã làm hết khả năng trong phận sự của mình. Tuy nhiên, do các hoạt động cản trở của những người biểu tình nên vẫn có tới hơn 10 nghìn phòng phiếu ở 69 khu vực bầu cử không thể mở cửa đón cử tri trong ngày 2/2, khiến 8,75 triệu người chưa thể thực hiện được quyền công dân của mình. Phần lớn các điểm không thể mở cửa nằm ở thủ đô Bangkok và khu vực phía Nam nơi được coi là “cứ địa” của phe đối lập. Đây cũng là nguyên nhân khiến Ủy ban bầu cử Thái Lan chưa thể công bố ngay kết quả tổng tuyển cử.
Không chỉ tìm cách ngăn cản tổng tuyển cử, phe đối lập còn có thể thúc đẩy kế hoạch hủy bỏ kết quả bầu cử. Đảng Dân chủ đối lập tuyên bố sẽ gửi đơn đề nghị Tòa án Hiến pháp Thái Lan không công nhận kết quả bầu cử với lý do cuộc bầu cử lần này vi phạm luật bầu cử và Hiến pháp. Các thành viên của đảng Dân chủ khẳng định đang thu thập bằng chứng để đưa vào đơn kiện. Họ cũng hối thúc Thủ tướng Yingluck Shinawatra bãi bỏ luật tình trạng khẩn cấp được áp dụng từ trước khi cuộc tổng tuyển cử diễn ra.
Bên cạnh cuộc chiến pháp lý, phong trào chống chính phủ ở Thái Lan còn quyết định đóng cửa một số điểm biểu tình để tập trung lực lượng cho những điểm chính. Phong trào này tuyên bố sẽ tiến hành các cuộc biểu tình quy mô lớn hơn ở trung tâm thủ đô trong nỗ lực tiếp tục phong tỏa Băng Cốc để buộc Thủ tướng Yingluck và toàn bộ nội các của bà phải từ chức.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong những ngày tới, Thái Lan sẽ tiếp tục phải đối mặt với sự chia rẽ dân tộc sâu sắc. Ông Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện An ninh và Nghiên cứu quốc tế nói: “Nếu tình hình hiện nay vẫn tái diễn trong một vài tháng tới, kinh tế, xã hội của Thái Lan sẽ phải đối mặt với nhiều hệ quả. Xung đột kéo dài cũng có nghĩa là bạo lực sẽ tiếp diễn. Nền kinh tế của Thái Lan sẽ bị tác động mạnh. Thái Lan sẽ mất đi vị thế “thiên đường thu hút đầu tư”
Trong cuộc tổng tuyển cử trước diễn ra năm 2011, đảng Puea Thái (Vì nước Thái) của bà Yingluck giành được hơn một nửa trong tổng số 500 ghế tại Quốc hội./.