Thái Lan: Ngày đầu tiên Bangkok bị tê liệt vì biểu tình
VOV.VN -Cuộc đại biểu tình có thể kéo dài ít nhất khoảng 5 ngày; một số địa điểm biểu tình có thể xảy ra đụng độ bạo lực
Người biểu tình ở Quảng trường chiến thắng - Bangkok, ngày 13/1
(Ảnh:CTV Kristia - Thái Lan)
Theo đánh giá của Trung tâm chỉ huy bảo vệ an ninh trật tự Thái Lan: Cuộc đại biểu tình có thể kéo dài ít nhất khoảng 5 ngày; một số địa điểm biểu tình có thể xảy ra đụng độ bạo lực như khu vực Trung tâm hành chính quốc gia, ngã năm Latprao và Quảng trường chiến thắng.
Một số tuyến đường chính ở Thủ đô Bangkok bị tắc nghẽn toàn bộ hoặc một phần do biểu tình. Biểu tình cũng bắt đầu làm đảo lộn nếp sinh hoạt, làm việc thường ngày của người dân Thủ đô Bangkok.
Đáng chú ý, người biểu tình đã chặn đường giao thông và mở thêm một số địa điểm biểu tình mới. Đồng thời, người biểu tình đã bao vây một số công sở như: Cục quan hệ công chúng (PRD), Bộ Tài nguyên và môi trường, Cục thuế thu nhập, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Lao động, yêu cầu công chức ở các công sở nghỉ việc.
Nhiều Bộ, ngành của Chính phủ tạm quyền Thái Lan đã phải đóng cửa trụ sở, chuyển sang làm việc ở địa điểm dự phòng. Ủy ban bầu cử làm việc ở các tỉnh ngoại vi Bangkok. Khoảng 150 trường học và hàng chục trường đại học ở Bangkok phải nghỉ dạy và học do bị ảnh hưởng của biểu tình.
Lãnh đạo biểu tình còn tuyên bố không thương lượng với Chính phủ và sẽ kéo dài biểu tình tới ngày mồng 2/2 để Thái Lan không thể tổ chức được cuộc bầu cử Hạ viện.
Trong khi đó, Chính phủ Thái Lan tạm quyền đang có những nỗ lực lớn nhằm kiểm soát biểu tình và tìm cách giảm bớt sức nóng trên chính trường hiện nay. Lực lượng cảnh sát và quân đội cùng các ban ngành hữu quan đã có nhiều cố gắng nhằm bảo vệ an ninh trật tự và đảm bảo giao thông đi lại cho người dân.
Đặc biệt, trong ngày hôm nay, Thủ tướng Thái Lan tạm quyền Yingluc Shinawatra đã xem xét đề nghị của Ủy ban bầu cử Thái Lan về việc tạm hoãn cuộc bầu cử Hạ viện và thấy rằng: Đề nghị tạm hoãn bầu cử này của Ủy ban bầu cử còn một số điều chưa rõ ràng.
Thủ tướng Yingluc Shinawatra muốn sớm triệu tập một cuộc họp giữa 5 bên, bao gồm: Ủy ban bầu cử, đại diện của Chính phủ, các chính đảng, phe ủng hộ bầu cử và phe phản đối bầu cử, để thảo luận về đề nghị hoãn bầu cử nêu trên./.