Thái Lan “nóng” chuyện sửa đổi Dự luật Ân xá
VOV.VN - Vấn đề chỉnh sửa trong Dự luật lại là điểm rất nhạy cảm và nhận được ý kiến nhiều chiều từ các bên.
Ngày 23/10, đề cập tiến trình sửa đổi Dự luật ân xá mà Quốc hội Thái Lan đang tiến hành, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan - Yingluck Shinawatra đã kêu gọi các cuộc biểu tình ủng hộ cũng như phản đối phải nằm trong khuôn khổ pháp luật và cần phải tiến hành các biện pháp khác nhau để Thái Lan có thể phát triển lên phía trước.
Sự kiện đang đốt nóng tình hình chính trị hiện nay tại Thái Lan bắt nguồn mới đây khi “Ủy ban chỉnh sửa văn bản” của Quốc hội đã chỉnh sửa Dự luật ân xá điều 3 về đối tượng và thời hạn áp dụng.
Theo đó, mở rộng diện đối tượng của dự luật là những người tham biểu tình mà không bao gồm những người “có quyền lực quyết định hay ra lệnh”, nay mở rộng ra tất cả mọi loại đối tượng. Thời gian cũng được giãn rộng lên so với dự luật ban đầu được trình lên.
Thủ tướng Thái Lan - Yingluck Shinawatra: "Chính phủ không can thiệp vào việc soạn thảo Dự luật" (Ảnh: Xuân Sơn) |
Nhiều nhà phân tích cho rằng, mấu chốt của việc sửa dự luật là cho phép ân xá cả cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người bị kết án tù 2 năm và đang sống lưu vong. Còn đối với cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, là người đang đối mặt với trách nhiệm trong vụ quân đội đàn áp biểu tình làm 91 người chết hồi nắm quyền năm 2010. Ông Abhisit hiện lại đang là chủ tịch đảng Dân chủ đối lập tại Quốc hội.
Đề cập đến dự luật đang gây tranh cãi, phát biểu trên đài phát thanh quốc gia Thái Lan ngày 22/10, Thủ tướng Yingluck cho rằng, chính phủ không can thiệp vào việc soạn thảo Dự luật này.
“Theo nguyên tắc, cần phân định rõ quyền lực độc lập của cơ quan hành pháp và lập pháp. Quốc hội có nhiệm vụ xây dựng luật và trước khi trở thành luật phải được sự chấp thuận của đa số thành viên. Còn chính phủ dựa vào luật để điều hành, vì lợi ích của người dân và sự phát triển của đất nước”, Thủ tướng Yingluck nói.
Dự luật ân xá có tên gọi "Dự luật ân xá Worachai", mang tên Hạ nghị sỹ Worachai của Đảng Vì nước Thái cầm quyền soạn thảo và đệ trình, đã được Hạ viện Thái Lan thông qua giai đoạn 1 ngày 8/8 vừa qua với số phiếu áp đảo 300/438.
Theo tiến trình, dự luật cần được Hạ viện Thái Lan bỏ phiếu thông qua giai đoạn 2, trình lên Thượng viện xem xét, Hạ viện bỏ phiếu thông qua giai đoạn 3, sau đó là tòa án Hiến pháp nhất trí trước khi trình lên Nhà vua ký thành luật có hiệu lực.
Mặc dù chặng đường của tiến trình này còn dài, tuy nhiên vấn đề chỉnh sửa trong dự luật lại là điểm rất nhạy cảm và nhận được ý kiến nhiều chiều của các bên. Một số cuộc biểu tình đã nổ ra để phản đối việc chỉnh sửa Dự luật, Đảng cầm quyền Vì nước Thái cũng đang xem xét ra nghị quyết về vấn đề này.
Trong khi đó, mặc dù có lợi nhưng đảng Dân chủ đối lập lại cho rằng, nếu thành luật, điều này gián tiếp xóa tội cho cựu Thủ tướng Thaksin. Một số lãnh đạo của Mặt trận Dân chủ chống Độc tài (UDD) - hay còn gọi là những người Áo đỏ - lực lượng thân chính phủ hiện nay và ủng hộ chính phủ trước kia của cựu Thủ tướng Thaksin lại phản đối việc sửa đổi dự luật.
Chủ tịch UDD, bà Thida Thavornseth cho biết, UDD kiên trì ủng hộ việc đối tượng được ân xá chỉ bao gồm những người dân bình thường tham gia biểu tình.
Đã có không ít ý kiến có trọng lượng tại Thái Lan cho rằng, việc xây dựng luật ân xá phải dựa trên cơ sở bình đẳng cho các bên, cho dù các đối tượng có vi phạm luật ở các hình thức và mức độ khác nhau. Tạm gác quá khứ và tất cả vì sự phát triển phía trước, vì sự phồn vinh và thịnh vượng của Thái Lan là điều Thủ tướng Thái Lan - Yingluck Shinawatra nhiều lần đã từng nói./.