Thái Lan tiếp tục “bơm tiền” phát triển Hành lang Kinh tế phía Đông
VOV.VN - Chính phủ Thái Lan vừa thông qua khoản ngân sách trị giá 330 tỷ bạt (khoảng 9,43 tỷ USD) để phát triển cơ sở hạ tầng, tiện ích và mạng lưới thông tin liên lạc trong Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC).
Phát biểu trong cuộc họp báo sau phiên họp thường kỳ, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha cho biết khoản tiền này sẽ được đầu tư cho 71 dự án trong giai đoạn từ nay đến năm 2027.
Thủ tướng Thái Lan cũng cho biết nhằm tạo động lực hỗ trợ mục tiêu trở thành trung tâm kỹ thuật số khu vực, Chính phủ Thái Lan đã nhất trí sẽ miễn thuế giá trị gia tăng cho các nhà khai thác trung tâm dữ liệu. Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan đang thúc đẩy việc thành lập quỹ hỗ trợ các công ty sản xuất và dịch vụ bị ảnh hưởng bởi các hiệp định thương mại tự do.
Thủ tướng Thái Lan cam kết Chính phủ sẽ tìm cách khai thác tối đa các tiềm năng trong lĩnh vực hậu cần, các ngành công nghiệp thông minh và năng lượng sạch để xây dựng Hành lang Kinh tế phía Đông trở thành đầu tàu kinh tế của cả Thái Lan và khu vực ASEAN.
Cuối tháng 3 vừa qua, Chính phủ Thái Lan đã thông qua Dự án phát triển thành phố thông minh - dự án cơ sở hạ tầng quan trọng thứ năm trong Hành lang Kinh tế phía Đông, với tổng giá trị đầu tư khoảng 40 tỷ USD trong 10 năm tới. 4 dự án đã được Chính phủ Thái Lan thông qua trước đó gồm Dự án đường sắt cao tốc kết nối ba sân bay Don Mueang - Suvarnabhumi - Utapao; Dự án cải tạo, nâng cấp sân bay Utapao; Dự án cảng công nghiệp Map Ta Phut giai đoạn 3 và Dự án cảng Laem Chabang giai đoạn 3.
Hành lang Kinh tế phía Đông là kế hoạch đầu tư quan trọng nhất của Chính phủ Thái Lan với mục tiêu xây dựng khu vực phía Đông Thái Lan, nhất là 3 tỉnh Rayong, Chon Buri và Chachoengsao thành trung tâm công nghệ, chế tạo và dịch vụ, được kết nối với các nước láng giềng ASEAN bằng đường bộ, đường biển và hàng không./.