Thái Lan trước nguy cơ xuất hiện nhân tố bất ổn
c(VOV) - Việc huy động 50.000 nhân viên an ninh đối phó với cuộc biểu tình của nhóm PSG đang thu hút sự quan tâm của dư luận Thái Lan.
Cuộc biểu tình của nhóm Tổ chức bảo vệ Siam (Pitak Siam Group - PSG) dự kiến sắp diễn ra tại thủ đô Bangkok đang được nhiều người quan tâm hơn cả cuộc chất vấn bất tín nhiệm chính phủ tại Quốc hội Thái Lan vào cuối tháng này. Đây là kết quả thăm dò của Tổ chức thăm dò uy tín Thái Lan DUSIT.
Lực lượng cảnh sát Thái Lan sẽ không trang bị vũ khí đối phó với biểu tình (Ảnh: Xuân Sơn) |
Ngày 14/11, Phó Thủ tướng phụ trách an ninh Thái Lan Chalom tuyên bố sẽ điều động 50.000 nhân viên an ninh và cảnh sát để đối phó với cuộc biểu tình tại Quảng trường Vua Rama 5 vào ngày 24/11 tới của Tổ chức bảo vệ Siam. Lực lượng cảnh sát được huy động ở mức tối đa cho thấy mức độ của vấn đề và mối quan tâm của chính phủ Thái Lan đối với cuộc biểu tình sắp tới.
Phó Thủ tướng Chalom cho biết, đang chỉ đạo các lực lượng chức năng theo dõi mọi diễn biến liên quan tới cuộc biểu tình này và toàn bộ lực lượng an ninh Thái Lan sẽ không mang theo vũ khí, với mục tiêu chính là ngăn không cho những người biểu tình bao vây chặn các tuyến đường xung quanh Quốc hội hay Văn phòng Chính phủ ở ngay gần quảng trường Vua Rama 5.
Lãnh đạo an ninh của Thái Lan khẳng định, việc trang bị vũ khí cho cảnh sát cũng như không điều lực lượng quân đội tham gia nhằm tránh để tái diễn việc xung đột gây thương vong đã từng diễn ra nhiều lần trước đây (dưới thời chính phủ trước).
Tổ chức bảo vệ Siam gần đây nổi lên như một tổ chức phản đối chính phủ mới sau khi các cuộc biểu tình của Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD), hay còn gọi là những người Áo vàng chống chính phủ, ngày càng nhận được ít sự ủng hộ của dư luận xã hội. Phó Thủ tướng Thái Lan Chalom cũng thừa nhận việc đã đánh giá thấp hoạt động của Tổ chức bảo vệ Siam.
Vào tháng trước, Tổ chức bảo vệ Siam đã tổ chức một cuộc biểu tình với khoảng 10.000 người tham gia. Lãnh đạo Liên minh Nhân dân vì Dân chủ chống chính phủ cho rằng, những người Áo vàng có thể cùng tham gia cuộc biểu tình này, còn lãnh đạo Mặt trận dân chủ chống độc tài (UDD), Tổ chức thân chính phủ, kêu gọi những người Áo đỏ cần tỉnh táo trước diễn biến này. Mặt trận dân chủ chống độc tài cho rằng, cuộc biểu tình lần này có khoảng 70.000 người tham gia. Ông Chatuphon, lãnh đạo Mặt trận dân chủ chống độc tài cho biết, những người Áo đỏ sẽ tạo thế cân bằng với cuộc biểu tình của Tổ chức bảo vệ Siam, nhưng sẽ không tổ chức biểu tình cùng ngày với Tổ chức bảo vệ Siam để tránh đụng độ xẩy ra và không rơi vào bẫy của lực lượng thứ ba có ý định làm cho tình hình rối loạn.
Mặc dù không bình luận về thông tin cho rằng, cuộc biểu tình sắp tới là một phần trong những nỗ lực do thế lực đứng đằng sau, phối hợp với phe đối lập chất vấn bất tín nhiệm chính phủ vào ngày 26/11 này tại Quốc hội, Phó Thủ tướng Chalom thừa nhận những lo lắng trước quy mô tổ chức, những tuyên bố cứng rắn và thời điểm cận kề mà Tổ chức bảo vệ Siam tổ chức biểu tình ngoài đường phố với cuộc chất vấn bất tín nhiệm tại nghị trường của đảng Dân chủ đối lập dành cho Chính phủ.
Trong vài tháng qua, người dân Thái Lan dường như đã mệt mỏi với các cuộc biểu tình ủng hộ Chính phủ của Mặt trận dân chủ chống độc tài và biểu tình chống chính phủ của Liên minh Nhân dân vì Dân chủ. Bởi lẽ, dù là các cuộc biểu tình “hòa bình” nhưng nó luôn ẩn chứa những hiểm họa bất ổn, điều mà 6 năm qua người dân Thái Lan nếm trải đã quá đủ, và điều mà họ mong muốn hiện nay là xã hội ổn định để phát triển - điều mà Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã làm được trong hơn 1 năm cầm quyền vừa qua. Vì vậy, số lượng lớn người tham gia biểu tình và như lãnh đạo Tổ chức bảo vệ Siam sắp tới gọi là “cuộc chiến cuối cùng” đã trở thành mối quan tâm của nhiều người dân Thái Lan./.