Thái Lan: Xung đột có cơ bùng nổ sau khi Thủ tướng bị bãi chức

VOV.VN -Tình hình Thái Lan hiện nay thực sự khó đoán định khi mà cả UDD lẫn lực lượng chống Chính phủ tiếp tục tăng sức ép lẫn nhau.

Phán quyết bãi nhiệm Thủ tướng Yingluck Shinawatra của Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã đưa chính trường nước này sang một trang mới khi quyền hạn của bộ máy hành pháp vốn đã bị tê liệt nhiều tháng qua, nay ngày càng bị thu hẹp.

Chính trường Thái Lan hiện đang đứng gần sát bờ vực của trạng thái “chân không chính trị” mà nếu tới hạn, một Thủ tướng tiến cử là điều khó tránh khỏi xảy ra.

Chiều 7/5, sau gần 2 tiếng tuyên phán quyết, 9 thẩm phán của Tòa án Hiến pháp đầy uy lực tại Thái Lan đã đưa ra phán quyết nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan sau 2 năm 9 tháng 2 ngày cầm quyền phải rời nhiệm sở.

Bà Yingluck từng vượt qua phiên chất vấn bất tín nhiệm tại Hạ Viện.

Tòa kết luận bà Yingluck đã không công tâm và tư lợi trong việc thuyên chuyển Tổng Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia ông Thawil Pliensri. Việc làm này vi phạm Điều 266 và Điều 268.

Vì vậy chiểu theo Điều 182 của Hiến pháp, tòa tuyên chấp dứt tư cách thành viên Nội các của bà Yingluck.

Phán quyết của tòa không chỉ bãi nhiệm chức Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng của bà Yingluck mà còn bãi nhiệm luôn 9 thành viên Nội các từng tham gia phiên họp quyết định vụ thuyên chuyển hôm 6/9/2011.

Ngày 7/5, Tòa Hiến pháp phán quyết bãi nhiệm Thủ tướng Yingluck Shinawatra.

Ngay từ khi Tòa án Hiến pháp chấp thuận thụ lý vụ án, nhiều nhà chính trị đã dự đoán việc bà Yingluck bãi nhiệm bởi vụ án này từng được Tòa Hành chính Tối cao Thái Lan xem xét hôm 20/2 và phán quyết Thủ tướng Yingluck thuyên chuyển sai nguyên tắc.

Ông Thawil Pliensri đã được khôi phục chức vụ vào ngày 28/4 chiểu theo án tuyên, tuy nhiên việc một hành vi nhưng có tới 2 tòa án khác nhau chứ không phải 2 cấp của một tòa án phán xử đã làm không ít các nhà chính trị đặt dấu hỏi.


Phiên tòa diễn ra dưới sự bảo vệ của cả quân đội và cảnh sát

Phản ứng gần như lập tức sau khi phán quyết được đưa ra là quyết định của Chính phủ tạm quyền Thái Lan, những người không bị bãi nhiệm do họ là những nhân vật được bổ nhiệm trong 4 lần cải tổ chính phủ từ đó cho đến nay.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Niwatthamrong Boonsongpaisan thực hiện nhiệm vụ của bà Yingluck trước đây và có thể coi là giữ chức quyền Thủ tướng tạm quyền.

Việc bổ nhiệm nhanh chóng này nhằm khẳng định sự tồn tại một cách bình thường với đầy đủ cơ cấu của cơ quan hành pháp cao nhất nước này và nhiều khả năng đã nằm trong dự liệu của các nhà chính trị đầy kinh nghiệm của Đảng Vì nước Thái và chấp nhận cuộc chơi mới.

Trong khi đó, một số nhà lãnh đạo Đảng Vì nước Thái cho rằng, cần phải xem lại phán quyết của tòa án do quy trình xét xử còn nhiều vấn đề chưa thỏa đáng.

Một động thái được coi là cứng rắn và chưa có tiền lệ là trong cuộc họp báo của đảng này đã đưa ra tuyên bố 8 điểm khẳng định hiện có một âm mưu với sự tham gia của lực lượng chống chính phủ do cựu Phó Thủ tướng Suthep Thausuban cầm đầu cùng một số chính đảng và tổ chức độc lập với mục tiêu xóa bỏ thể chế dân chủ, chống phá đến cùng cuộc bầu cử.



Cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra chỉ bị mất chức bởi cuộc đảo chính quân sự năm 2006.

Đảng Vì nước Thái tố cáo rằng, phương thức mà lực lượng này tiến hành từ nhiều năm nay là dùng mọi thủ đoạn để giải tán các chính đảng trước đây như: Đảng Người Thái yêu người Thái; Đảng Sức mạnh Nhân Dân và hiện nay là Đảng Vì nước Thái với trọng tâm nhằm vào các Thủ tướng của 3 đảng này và bà Yingluck là nhân vật cuối cùng trong danh sách này.

Đảng Vì nước Thái cho rằng, mục tiêu cuối cùng của “Nhóm âm mưu” này là ngăn cản cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 20/7 nhằm tìm cơ hội để hình thành một Thủ tướng không qua bầu cử.

Cần chú ý, đây là các đảng và nhân vật được coi là đồng minh hay có liên quan ít nhiều tới cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người hiện đang lưu vong những tiếp tục có những ảnh hưởng mạnh tới những diễn biến chính trị tại Thái Lan do tầm chi phối lớn đối với thành viên các đảng này.

Đồng quan điểm với đảng cầm quyền, Mặt trận Dân chủ chống Độc tài (UDD hay còn gọi là những người Áo Đỏ), đồng minh truyền thống gần 10 năm qua của ông Thaksin cũng tuyên bố bất tuân tòa án và cho biết sẽ có các hoạt động chống đối mạnh mẽ trong thời gian tới.


Liệu Áo Đỏ sẽ tràn về Bangkok như họ từng đe dọa.?

Một số tổ chức xã hội tại miền Đông Bắc, nơi được mệnh danh là “căn cứ địa” của Áo Đỏ tỏ thái độ cứng rắn và đe dọa đưa lực lượng về Bangkok để tiến hành trận chiến cuối cùng.

Một số chính đảng trung dung chấp nhận phán quyết, còn lực lượng chống chính phủ do cựu Phó Thủ tướng Suthep Thausuban cầm đầu cho rằng, đây là bước thắng lợi đầu tiên của họ trong mục tiêu lật đổ “chế độ Thaksin”.

Hôm nay (8/5), ông Suthep cho biết ngay 9/5 sẽ tổ chức đại biểu tình thay cho dự kiến ngày 14/5 như trước đây để chớp thời cơ thuận lợi này.


Do bản phán quyết tòa đọc dài hàng chục trang gồm nhiều nội dung, vì vậy Chính phủ tạm quyền cho biết, sẽ chờ đợi văn bản chính thức và ngày 8/5, họ đã họp nhằm cơ cấu lại bộ máy tổ chức nhằm tiếp tục mục tiêu cùng với Ủy ban Bầu cử quốc gia (ECT) đẩy nhanh các thủ tục pháp lý để có thể ấn định chính thức thời điểm tổng tuyển cử dự kiến ngày 20/7/2014 trở thành chính thức.

Sắc lệnh Hoàng gia ngày 9/12/2013, chỉ dụ, Thủ tướng tạm quyền và Chủ tịch ECT tổ chức cuộc tổng tuyển cử ngày 2/2.

Do cuộc tổng tuyển cử này bị Tòa Hiến pháp tuyên vô hiệu lực và sắp tới các bên sẽ trình lên một sắc lệnh sửa đổi có nội dung bổ sung thay thế thời điểm tổ chức mới một cuộc tổng tuyển cử, vì vậy theo Thượng Nghị sỹ Khamnund, do bà Yingluck đã bị bãi nhiệm nên ông Niwatthamrong không thể trình sắc lệnh cũng như nhận và thực hiện sắc lệnh Hoàng gia này, bởi ông Niwatthamrong chỉ là quyền Phó Thủ tướng tạm quyền mà thôi.

Chính Chủ tịch đảng cầm quyền Vì nước Thái trong một cuộc trả lời phỏng vấn ngày 8/5 cho rằng, sẽ không có một cuộc tổng tuyển cử mới và nguyên nhân không phải do chính phủ.

Hiển nhiên là tổng tuyển cử diễn ra trong bối cảnh một Chính phủ mạnh sẽ dễ dàng hơn nhiều một chính phủ hiện nay, mặc dù đã bị rơi vào thế một Chính phủ tạm quyền với quyền lực hạn chế, nay lại không còn Thủ tướng và một số nhân sự trong Nội các.


Lực lượng chống Chính phủ sẽ lại tổ chức đại biểu tình vào ngày 9/5.

Quyết định của Tòa án Hiến pháp hôm qua chắc chắn sẽ làm cho lực lượng chống Chính phủ thêm phần sức mạnh trong các hoạt động ngăn cản một cuộc tổng tuyển cử, cho dù sẽ được tổ chức vào ngày 20/7 tới hay tại thời điểm nào đi chăng nữa.

Tình hình Thái Lan hiện nay thực sự khó đoán định khi mà cả UDD lẫn lực lượng chống Chính phủ tiếp tục tăng sức ép lẫn nhau với việc kêu gọi quần chúng ủng hộ tập trung biểu tình.

Mặc dù bà Yingluck đã bị bãi nhiệm nhưng ông Suthep vẫn cho là chưa đủ bởi mục tiêu của ông là tạo ra một chân không chính trị, không còn cơ quan hành pháp để dễ dàng đề cử một Thủ tướng không qua bầu cử.

Còn tại Đông Bắc, một số lãnh đạo UDD cấp địa phương có tư tưởng cứng rắn và luôn tuyên bố sẽ điều động một lực lượng lớn để tiến vào Bangkok.

Điều lo ngại hiện nay là vẫn liên tiếp xảy ra các vụ nổ bom, xả súng thường nhật tại Bangkok.

Đêm 7/5 và rạng sáng 8/5, 4 quả lựu đạn M79 đã phát nổ tại 2 địa điểm khác nhau tại Bangkok. Ngoài ra, nhà một thẩm phán tham dự vụ xử bãi nhiệm Thủ tướng Yingluck đã bị ném lựu đạn.

Trong khi đó chiều 8/5, một nhánh của lực lượng Áo Đỏ đã tiến vào một khu vực những người biểu tình chống Chính phủ đóng trại tại Chengwattana, cách Bangkok gần 30 km về phía Bắc và ra tối hậu thư, trong vài ngày tới, lực lượng chống biểu tình phải di dời sang vị trí khác.

Những diễn biến tức thời sau phán quyết cùng với những hiểm họa ẩn chứa tiềm tàng trong tình hình hiện nay cho thấy, tình hình Thái Lan tiếp tục phức tạp, khó đoán định và có nguy cơ bùng nổ cao nếu các bên không kiềm chế tối đa.

Ngòi nổ có thể là những xung đột giữa hai lực lượng biểu tình bất đồng quan điểm dẫn tới đổ máu, bạo loạn hay nội chiến.

Khi đó lực lượng quân đội sẽ vào cuộc như Tư lệnh lục quân nước này từng tuyên bố.

Quân đội Thái Lan từng thực hiện nhiều cuộc đảo chính và gần nhất là vào năm 2006. Đây là điều khiến nhiều người dân cũng như tướng lĩnh quân đội Thái Lan không hề mong muốn hiện nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thủ tướng Thái Lan Yingluck bị Tòa Hiến pháp bãi nhiệm
Thủ tướng Thái Lan Yingluck bị Tòa Hiến pháp bãi nhiệm

VOV.VN - Tòa án cho rằng bà Yingluck thiếu công tâm, đã tư lợi khi thuyên chuyển Tổng thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia.

Thủ tướng Thái Lan Yingluck bị Tòa Hiến pháp bãi nhiệm

Thủ tướng Thái Lan Yingluck bị Tòa Hiến pháp bãi nhiệm

VOV.VN - Tòa án cho rằng bà Yingluck thiếu công tâm, đã tư lợi khi thuyên chuyển Tổng thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia.

Thái Lan chỉ định Thủ tướng tạm quyền thay bà Yingluck
Thái Lan chỉ định Thủ tướng tạm quyền thay bà Yingluck

VOV.VN - Ông Niwattumrong sẽ giữ cương vị Thủ tướng tạm quyền cho đến khi một cuộc Tổng tuyển cử được tiến hành.

Thái Lan chỉ định Thủ tướng tạm quyền thay bà Yingluck

Thái Lan chỉ định Thủ tướng tạm quyền thay bà Yingluck

VOV.VN - Ông Niwattumrong sẽ giữ cương vị Thủ tướng tạm quyền cho đến khi một cuộc Tổng tuyển cử được tiến hành.

Thái Lan: Khả năng sẽ có xung đột lớn
Thái Lan: Khả năng sẽ có xung đột lớn

VOV.VN - Việc bà Yingluck bị bãi nhiệm sẽ khiến những người Áo Đỏ có những phản ứng dữ dội, không loại trừ khả năng có xung đột lớn.

Thái Lan: Khả năng sẽ có xung đột lớn

Thái Lan: Khả năng sẽ có xung đột lớn

VOV.VN - Việc bà Yingluck bị bãi nhiệm sẽ khiến những người Áo Đỏ có những phản ứng dữ dội, không loại trừ khả năng có xung đột lớn.

Thái Lan: Lật đổ Thủ tướng Yingluck như một cuộc đảo chính "trá hình"?
Thái Lan: Lật đổ Thủ tướng Yingluck như một cuộc đảo chính "trá hình"?

VOV.VN - Ngay sau khi Tòa án Hiến pháp phán quyết, đại diện đảng Vì nước Thái tuyên bố có nhiều tổ chức can thiệp để lật đổ bà Yingluck.

Thái Lan: Lật đổ Thủ tướng Yingluck như một cuộc đảo chính "trá hình"?

Thái Lan: Lật đổ Thủ tướng Yingluck như một cuộc đảo chính "trá hình"?

VOV.VN - Ngay sau khi Tòa án Hiến pháp phán quyết, đại diện đảng Vì nước Thái tuyên bố có nhiều tổ chức can thiệp để lật đổ bà Yingluck.