Thanh lý tàu tàng hình của điệp viên 007

Bất cứ cá nhân, công ty nhà nước hay tư nhân nào cũng có thể đặt mua con tàu này với một điều kiện duy nhất là “vô hiệu con tàu và biến thành đống sắt vụn” trước khi đưa ra khỏi lãnh thổ Mỹ

Sea Shadow, chiếc tàu tàng hình đầu tiên trên thế giới, đang được hải quân Mỹ đưa ra đấu giá trên internet với mức giá khởi điểm là 10.000 USD, với mỗi mức đấu tăng lên 100 USD. Đến sáng 30/4/2012, chiếc tàu đã được trả giá đã lên đến 100.400 USD.

Theo AP, chiếc tàu này được đấu giá với mức khởi điểm 50.000 USD. Việc đấu giá dự định kết thúc vào ngày 4/5/2012, nhưng cũng có thể được kéo dài.

Tàu tàng hình Sea Shadow (Ảnh: US Navy)

Con tàu này được công ty Mỹ Lockheed Martin đóng vào năm 1983. Trong một thời gian dài, tàu thử nghiệm Sea Shadow được giữ bí mật. Hải quân Mỹ đã chi gần 190 triệu USD để chế tạo Sea Shadow.

Tàu có dạng hình thang phi truyền thống. Các vách mạn tàu và đáy tàu được thiết kế khiến có cảm tưởng như tàu bay trên mặt nước.

Sea Shadow có chiều dài 49,9 m, chiều rộng 20,7 m, mớn nước 4,6 m, lượng giãn nước 452,6 tấn (499 tấn Mỹ).

Sea Shadow được trang bị hệ thống động cơ điện-diesel và 2 chân vịt. Thân tàu bằng thép tựa trên 2 cánh ngầm. Hình dáng góc cạnh của vỏ tàu cho phép làm chệch tia radar.

Trong cấu trúc của Sea Shadow sử dụng các công nghệ đã ứng dụng ở máy bay tàng hình F-117 Nighthawk.

Bất cứ cá nhân, công ty nhà nước hay tư nhân nào cũng có thể đặt mua con tàu này với một điều kiện duy nhất là “vô hiệu con tàu và biến thành đống sắt vụn” trước khi đưa ra khỏi lãnh thổ Mỹ.

Theo điều kiện đấu giá, tàu Sea Shadow được bán làm sắt vụn vì nó không còn giá trị. Tuy nhiên, nó có thể có giá trị đối với những người sưu tập vì tàu này từng là hình mẫu cho con tàu tàng hình trong bộ phim về điệp viên Anh 007 James Bond là Tomorrow never dies. Thực tế, một bản sao chính xác Sea Shadow đã được sử dụng trong bộ phim trình chiếu năm 1997 này.

Trong một thời gian dài, Sea Shadow được dùng để thử nghiệm các công nghệ mới và năm 2006 đã bị loại bỏ. Hải quân Mỹ đã cố gắng tìm một viện bảo tàng nào đó sẵn lòng tiếp nhận Sea Shadow, nhưng vô hiệu. Cuối cùng, họ quyết định thanh lý tàu làm sắt vụn.

Hải quân Mỹ từ năm 2006 đã mấy lần rao bán Sea Shadow, nhưng đều thất bại. Năm 2011, có tin quân đội Mỹ dự định phá bỏ tàu này sau nhiều nỗ lực bán tàu thất bại./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên