Thấy gì từ Thông điệp Liên bang 2019 của hai Tổng thống Mỹ và Nga?
VOV.VN - Hai bản Thông điệp Liên bang (Mỹ - Nga) năm 2019 ẩn chứa những quan điểm, chính sách, có thể làm gia tăng sự chú ý của giới nghiên cứu.
Thông điệp Liên bang là bài diễn văn then chốt hàng năm mà Tổng thống trình bày đề cập đến tình hình của đất nước và những phương hướng chủ yếu trong chính sách đối nội và đối ngoại. Đọc Thông điệp Liên bang là công việc thường niên của Tổng thống. Tuy nhiên, hai bản Thông điệp Liên bang (Mỹ - Nga) năm 2019 ẩn chứa những quan điểm, chính sách, có thể làm gia tăng sự chú ý của giới nghiên cứu và dư luận.
Tổng thống Trump đọc thông điệp liên bang đầu tiên năm 2018. Ảnh: Business Insider. |
Từ sự khác biệt và thống nhất…
Theo dự kiến ban đầu, Thông điệp Liên bang Mỹ được đọc vào ngày 29/1. Tuy nhiên, Tổng thống D. Trump đã hoãn tới ngày 5/2, do bất đồng trong Quốc hội Mỹ liên quan đến khoản ngân sách hơn 5 tỷ USD xây dựng bức tường biên giới Mỹ - Mexico khiến chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần kéo dài nhất trong lịch sử.
Tổng thống Trump còn cảnh báo rằng những nỗ lực từ đảng Dân chủ nhằm điều tra thành viên nội các của ông, cũng như việc Mỹ tham gia vào nhiều cuộc chiến tranh trên thế giới, có thể khiến nền kinh tế Mỹ lâm nguy.
Tại sự kiện quan trọng này, Tổng thống Trump đã phải gửi đi một thông điệp kêu gọi sự đoàn kết và hợp tác lưỡng đảng nhằm cải thiện tình trạng chia rẽ chính trị sâu sắc hiện nay và xoa dịu bầu không khí xung đột căng thẳng giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Thông điệp Liên bang Nga năm nay phản ánh tính thống nhất cao trong nội bộ, không có dấu hiệu chia rẽ. Khiến giới quan sát và dư luận có sự quan tâm đến vấn đề quan trọng này và không khỏi quan ngại, nhất là giữa hai đảng và hai nhánh lập pháp và hành pháp ở Mỹ.
Đến xác định những ưu tiên…
Thông điệp Liên bang Mỹ năm nay, bên cạnh việc đề cao những thành tựu về kinh tế dưới thời Tổng thống D. Trump như tăng thêm 600.000 việc làm trong lĩnh vực chế tạo, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao gấp đôi so với Chính quyền tiền nhiệm, tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 20 năm qua, Tổng thống Trump không nói nhiều đến kế hoạch kích thích tăng trưởng kinh tế Mỹ, nhưng những con số nêu trên đã tạo ra một ấn tượng.
Khảo sát của Reuters hồi tháng 1/2019 đã dự báo rằng, tỉ lệ phát triển kinh tế Mỹ năm 2019 có thể sẽ giảm xuống còn 2,1% và nguy cơ thâm hụt ngân sách là khó tránh. Nếu không có những giải pháp kích thích kinh tế thì khó giữ được tốc độ tăng trưởng trung bình của năm 2018 là 3%.
Còn ở nước Nga, thông điệp của Tổng thống Putin, chính phủ Nga sẽ ưu tiên cho các vấn đề đối nội, chủ yếu tập trung vào phát triển kinh tế và xã hội đất nước, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục, nhà ở, nông nghiệp và chăm sóc sức khỏe.
Tổng thống Nga V. Putin cam kết sẽ nhanh chóng cải thiện điều kiện sống cho người dân ngay trong năm 2019 và khẳng định quyết tâm đạt được các mục tiêu phát triển chiến lược dài hạn của đất nước; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để chiến thắng đói nghèo, trong đó năm 2021 cần đạt hơn 3%.
Theo đó, Nga tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và luật pháp, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho đầu tư trong lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ cao; loại bỏ tất cả những yếu tố cản trở tự do kinh doanh.
Nga tiếp tục áp dụng và tăng cường chính sách hỗ trợ tài chính cho các gia đình sinh con; đề ra chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cá nhân; cải tạo các nhà văn hóa ở nông thôn và giảm thuế cho các công ty xây dựng đối với các công trình xã hội được chuyển giao cho Nhà nước.
Điểm nhấn trong chính sách đối ngoại…
Thông điệp Liên bang Mỹ năm nay cho thấy, trụ cột trong chính sách đối ngoại của Mỹ được xây dựng lại trên một nền tảng khác. Tổng thống D. Trump tiếp tục chính sách nhập cư cứng rắn và kiên quyết xây bức tường biên giới với Mexico, mặc dù không được sự đồng thuận trong nội bộ nước Mỹ và đồng minh EU.
Tổng thống D. Trump nhấn mạnh Trung Quốc đã khiến Mỹ mất đi việc làm và sự giàu có, ông kêu gọi Quốc hội trao cho ông thêm nhiều quyền tự do áp đặt các biện pháp đánh thuế và chính sách thương mại cứng rắng hơn với Trung Quốc, cũng như thông qua hiệp định thương mại USMCA đã ký với Canada và Mexico.
Tổng thống D. Trump tuyên bố Mỹ chính thức rút khỏi INF, ông muốn một Hiệp định INF đa phương, có sự giàng buộc với cả các nước Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức; ông tuyên bố rút quân khỏi Syria và Afghanistan, mặc dù bị giới phê bình cho rằng Mỹ có nguy cơ đánh mất những thành quả khó kiếm. Thông điệp Liên bang cũng tái đề cập đến việc công nhận chính phủ lâm thời Venezuela và tổng thống lâm thời Juan Guaido.
Trong Thông điệp Liên bang năm nay, Tổng thống D. Trump thể hiện một cách nhìn nhận khác (khá lạc quan) về Triều Tiên, khẳng định sẽ tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 2 với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội vào ngày 27-28/2. Tuy vẫn còn có những khó khăn ở phía trước, nhưng các chuyên gia tin tưởng rằng, cuộc gặp Thượng đỉnh lần 2 sẽ có bước đi cụ thể hơn như tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, ký kết hiệp ước hòa bình, nới lỏng cấm vận, thanh sát các cơ sở hạt nhân...
Trong khi đó, Thông điệp Liên bang Nga, Tổng thống V. Putin đã nêu rõ, chính sách đối ngoại của Nga là rất linh hoạt và rõ ràng, đó là tôn trọng niềm tin, xóa nhòa biên giới giữa con người và xây dựng một thế giới hòa bình hơn.
Nga sẽ phối hợp chặt chẽ hơn về chính sách đối ngoại và kinh tế với Belarus; quyết tâm phát triển hơn nữa đối thoại với Nhật Bản và hy vọng Liên minh châu Âu (EU) sẽ có những bước đi thực tiễn để khôi phục quan hệ kinh tế và chính trị với Moscow.
Ông V. Putin khẳng định, Nga muốn quan hệ hữu nghị, bình đẳng, toàn diện với Mỹ và mọi hành động của Nga chỉ mang tính phòng thủ. Tổng thống Nga thừa nhận INF đã lỗi thời và sẵn sàng đàm phán với Mỹ. Moscow chủ trương không tham gia vào bất kỳ cuộc chạy đua vũ trang hay đường lối bên miệng hố chiến tranh.
Và sự tác động khác nhau…
Thông qua Thông điệp Liên bang Mỹ cho thấy, chính sách “khác lạ” của Tổng thống Trump có thể làm gia tăng sự phân hóa trong nội bộ lưỡng đảng Dân chủ - Cộng hòa. Quan hệ Mỹ - Trung có thể sẽ tiếp tục trong trạng thái cọ sát chiến lược trên nhiều lĩnh vực với mức độ khác nhau, mặc dù hai nước vừa đạt bước tiến tích cực trong một số lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, chuyển giao công nghệ, bảo vệ tài sản trí tuệ và dịch vụ tài chính trong đàm phán.
Động thái rút khỏi INF, rút quân khỏi Syria và Afghanistan của Mỹ có thể làm cho ý tưởng “cải thiện quan hệ với nước Nga” của Tổng thống D. Trump trong cương lĩnh tranh cử năm 2016 càng bị lùi xa hơn và không loại trừ nguy cơ về một cuộc chạy đua vũ trang mới; các điểm nóng trong các khu vực và thế giới khó giải quyết dứt điểm; lòng tin của các đồng minh và đối tác có thể bị giảm sút.
Trong Thông điệp Liên bang Nga của Tổng thống Putin lại tập trung vào các vấn đề phát triển trong nước, nâng cao đời sống cho người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để chiến thắng đói nghèo, cùng với chính sách đối ngoại dựa trên xu hướng đối thoại, hợp tác, phòng thủ, thúc đẩy giải quyết các xung đột quốc tế. Chính sách này có thể nhận được sự ủng hộ của người dân Nga cũng như sự đồng tình của dư luận quốc tế và có tác động tích cực đến tình hình kinh tế, chính trị, an ninh thế giới.
Như vậy, với hai bản Thông điệp Liên bang 2019, đã phản ánh phần nào sự khác biệt về quan điểm chiến lược giữa hai cường quốc. Sự cọ xát giữa hai đại chiến lược Mỹ - Nga, nhằm khẳng định vị thế mới của mỗi quốc gia trên trường quốc tế, là phản ánh nhu cầu khách quan trong bối cảnh cấu trúc an ninh toàn cầu đang chuyển từ định hướng sang định hình./.