Thế giới 24h: Chia rẽ vì Trump, Đảng Cộng hòa sẽ thất bại nặng nề?
VOV.VN - Chia rẽ trong nội bộ Đảng Cộng hòa trong việc ủng hộ hay xa lánh tỷ phú Trump sẽ khiến Đảng này có thể phải chấp nhận thất bại cay đắng.
1. Những bất đồng này xảy ra trong bối cảnh chỉ còn 4 tuần nữa là tới ngày bầu cử chính thức. Lục đục nội bộ có thể khiến Đảng Cộng hòa “trắng tay” trong cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội năm nay.
Tỷ phú Trump đang gây chia rẽ sâu sắc trong nội bộ Đảng Cộng hòa. Ảnh: AP
Đến nay, hơn 50 nghị sĩ, quan chức và cựu quan chức của Đảng Cộng hoà đã tuyên bố chấm dứt ủng hộ chiến dịch tranh cử của ông Trump. Thậm chí ông John Thune - nhân vật quyền lực thứ ba của đảng Cộng hòa - cũng yêu cầu ông Trump chấm dứt chiến dịch tranh cử, nhường lại vị trí này cho phó tướng Mike Pence.
Mặc dù vậy, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Toàn quốc của Đảng Cộng hòa (RNC) Reince Priebus và một số nghị sỹ khác duy trì sự ủng hộ đối với ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng vào tháng 11 tới.
Những gì ông Trump nói làm dấy lên nguy cơ “nội chiến” trong Đảng Cộng hòa . Điều này vô cùng nguy hiểm đối với Đảng Cộng hòa vì những cử tri trung thành với ông Trump có thể bỏ phiếu phản đối những nghị sỹ vừa quay lưng với ông, nghĩa là đe dọa đến vị thế của Đảng Cộng hòa tại 2 viện Quốc hội Mỹ trong cuộc tổng tuyển cử lần này.
Còn về phía ông Trump, giờ đây khi được cho là đã tự do để đưa ra cách tiếp cận của riêng mình đối với những vấn đề của nước Mỹ, nếu ông Trump không thể đưa ra kế hoạch hành động cụ thể trong 4 tuần then chốt cuối cùng này thì chiến dịch tranh cử của ông coi như sẽ “rơi tự do”.
Trump gọi Chủ tịch Hạ viện Ryan, TNS McCain là “những kẻ bất trung”
2. Tổng thống Nga Putin ngày 11/10 đã quyết định hủy chuyến thăm Pháp vì những bất đồng của hai bên liên quan đến cuộc chiến tại Syria.
Đây là diễn biến mới nhất trong mối quan hệ đang leo thang căng thẳng giữa Nga và Pháp, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến khủng hoảng ở Syria.
Quan hệ Nga-Pháp đang trở nên căng thẳng sau bất đồng về vấn đề Syria. Ảnh: Reuters |
Thư ký Báo chí của Tổng thống Nga Dmitri Peskov cho biết, nguyên nhân Tổng thống Nga Putin hủy chuyến thăm Pháp sắp tới (dự kiến 19/10) là do hai bên không thống nhất được một số hoạt động đã được lên kế hoạch từ trước, như việc khai trương một trung tâm văn hóa và tôn giáo Nga và triển lãm về nước Nga tại Paris.
Theo ông Peskov, Tổng thống Putin sẵn sàng đi thăm Pháp vào một thời điểm “thích hợp và thoải mái với Tổng thống Pháp Hollande”.
Tổng thống Pháp Hollande cũng đã xác nhận việc Nga chính thức thông báo hủy chuyến thăm Pháp sắp tới của Tổng thống Putin. Ông Hollande cho biết, ông sẵn sàng đối thoại với người đồng cấp Nga "bất cứ lúc nào".
Tổng thống Pháp khẳng định, ông đã nói với Tổng thống Nga Putin về việc không nên ủng hộ các hành động của chính quyền Syria ở thành phố Aleppo vì dân thường của thành phố này đang trở thành nạn nhân của tội ác chiến tranh.
Theo Tổng thống Pháp Hollande, để giải quyết vấn đề Syria, cần phải có sự tham gia của tất cả các nước trong khu vực, trong đó có Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
Mỹ: Hoạt động tuyên truyền của IS bị suy giảm đáng kể
3. Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq tiếp tục gia tăng khi cả hai bên liên tiếp đưa ra những cáo buộc và chỉ trích gay gắt nhằm vào nhau.
Đáng chú ý nhất trong trận khẩu chiến ngày 11/10 là tuyên bố của Thủ tướng Iraq Heider al-Abadi cáo buộc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đang “đổ thêm dầu vào lửa”.
Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện tại Iraq. Ảnh: AP |
Thủ tướng Iraq khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ không nghiêm túc trong việc giải quyết vấn đề hiện diện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên đất Iraq, đồng thời đánh giá những phản ứng của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan trong vấn đề này là hành động biến vấn đề luật pháp và an ninh trở thành “vấn đề mang bản chất cá nhân”.
Trước đó, trong một tuyên bố trong cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã cảnh báo Thủ tướng Iraq al-Abadi cần biết rõ là mình đang ở đâu, đồng thời khẳng định ông al-Abadi không cùng đẳng cấp với mình.
Căng thẳng quan hệ giữa Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ đã bùng phát nghiêm trọng sau khi Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu tháng này thông qua nghị quyết về việc kéo dài sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Iraq thêm 1 năm nữa.
Giới chức Iraq đã lên tiếng phản đối gay gắt hành động của Thổ Nhĩ Kỳ, coi đó là một sự xâm phạm trắng trợn chủ quyền của Iraq. Thủ tướng Iraq al-Abadi thậm chí đã cảnh báo việc duy trì quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trên đất Iraq có thể dẫn đến nguy cơ một cuộc chiến tranh khu vực, đồng thời kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tiến hành một phiên họp khẩn cấp để xem xét vấn đề.
Mỹ: Binh sĩ nước ngoài cần phải được Chính phủ Iraq chấp thuận
4. Hàn Quốc sẽ cân nhắc áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Triều Tiên liên quan đến vụ thử hạt nhân lần thứ 5 của nước này.
Hãng thông tấn Yonhap dẫn nguồn tin từ Chính phủ Hàn Quốc cho biết, nếu quá trình thảo luận về việc áp đặt nghị quyết trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đối với Triền Tiên diễn ra quá lâu, Hàn Quốc có thể áp đặt biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Triều Tiên, thậm chí trước khi nghị quyết mới được thông qua.
Ảnh minh họa: Reuters |
Từ trước đến nay, Hàn Quốc vẫn áp dụng nguyên tắc ban bố các biện pháp trừng phạt Triều Tiên vào thời điểm thích hợp, khi nhận thấy biện pháp này phát huy tác dụng tối đa trong việc gây sức ép buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân.
Trước đó ngày 11/10, phát biểu trong cuộc họp báo tại thủ đô Seoul, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Cho June-hyuck cho biết, Chính phủ nước này đang xem xét các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên, dựa trên sự hợp tác với Mỹ, Liên minh Châu Âu và Nhật Bản. Các biện pháp này sẽ đánh vào lĩnh vực tài chính, vận tải, giao dịch hàng hóa và sự đi lại của các quan chức Triều Tiên.
Nghị sỹ Hàn Quốc muốn phát triển hạt nhân để đối phó Triều Tiên
5. Liên Hợp Quốc đã lên tiếng kêu gọi quyên góp ủng hộ 119 triệu USD nhằm hỗ trợ cuộc sống cho 750.000 người dân ở miền Tây Nam Haiti, những người chịu thiệt hại nặng nề do cơn bão Matthew.
Theo Liên Hợp Quốc, số tiền này sẽ dùng để cung cấp thức ăn, nước uống sạch và nơi ở tạm thời cho những người dễ bị tổn thương nhất trong số 1,4 triệu người có nhu cầu, sau khi cơn bão Matthew đã phá hủy một vùng cây trồng rộng lớn và khiến cơ sở hạ tầng khu vực bị hư hại nặng nề.
Bão Matthew đã để lại cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất ở Haiti kể từ sau trận động đất năm 2010, tại một thời điểm mà quốc gia này đang phải đối mặt với tình trạng dịch bệnh gia tăng, suy dinh dưỡng và thiếu an ninh lương thực”, lời kêu gọi của LHQ cho biết.
Haiti bắt đầu “chiến dịch” chôn cất thi thể các nạn nhân sau cơn bão Matthew, một quan chức chính phủ cho biết hôm 9/10. Số người chết do cơn bão và dịch tả lây lan lên đến 1.000 người./.
Hàng viện trợ quốc tế tiếp tục đổ về Haiti sau bão Matthew