Thế giới 24h: Hai phi công Nga thiệt mạng khi IS bắn rơi máy bay
VOV.VN - Interfax dẫn một nguồn tin quân sự cho biết, IS có thể đã sử dụng hệ thống tên lửa TOW của Mỹ để bắn hạ chiếc trực thăng Mi-25 của Nga.
1. RT đưa tin, ngày 9/7, Bộ Quốc phòng Nga thông báo phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bắn rơi một chiếc trực thăng quân sự Mi-25 gần Palmyra của Syria, khiến 2 phi công Nga trên máy bay thiệt mạng.
Ảnh chụp từ clip do IS phát tán ghi lại cảnh trực thăng Nga bị bắn rơi.
Thông báo cho biết thêm hai phi công Nga, Ryafagat Habibulin và Evgeny Dolgin đã thực hiện chuyến bay theo yêu cầu của Quân đội Chính phủ Syria, hỗ trợ đẩy lui cuộc tấn công của IS.
Tuy nhiên, sau khi hoàn thành nhiệm vụ không kích và trên đường trở về căn cứ, chiếc máy bay này đã bị IS bắn hạ và rơi xuống khu vực nằm dưới sự kiểm soát của Quân đội Chính phủ Syria.
Theo tổ chức theo dõi hoạt động trên mạng của các tổ chức khủng bố SITE, IS đã tuyên bố thừa nhận việc bắn hạ chiếc máy bay. IS bắn rơi máy bay Nga ở Syria, hai phi công thiệt mạng
2. Truyền thông Mỹ đưa tin, hôm qua (9/7), Sở cảnh sát thành phố Dallas và khu vực lân cận đã phải đóng cửa để kiểm tra sau khi nhận được một thông điệp nặc danh đe dọa toàn bộ sỹ quan cảnh sát trong thành phố.
Cảnh sát Mỹ bao vây nơi nghi phạm Micah Johnson ẩn náu trong vụ tấn công cảnh sát ở thành phố Dallas. (Ảnh: Dallas News) |
Đội đặc nhiệm sau đó đã được triển khai rà soát toàn bộ khu vực.
Vụ việc xảy ra 2 ngày sau khi một tay súng bắn tỉa giết hại 5 cảnh sát trong một cuộc biểu tình tại thành phố này.
Trên trang mạng xã hội Twitter chính thức, Sở cảnh sát thành phố Dallas cho biết, họ tìm “một đối tượng khả nghi” trong bãi đỗ xe nhưng sau đó cho biết không phát hiện mối nguy hiểm nào. Cảnh sát đã yêu cầu các kênh truyền hình không tường thuật trực tiếp từ hiện trường vụ rà soát.
Trong khi đó, các cuộc biểu tình phản đối sỹ quan cảnh sát bắn chết người da đen ở Louisiana và Minnesota vẫn tiếp diễn và lan rộng ra nhiều thành phố của nước Mỹ. Vụ bắn chết nhiều cảnh sát Dallas và vấn đề mâu thuẫn sắc tộc ở Mỹ
3. Hãng thông tấn TASS của Nga ngày 9/7 đưa tin, 2 nhà ngoại giao Mỹ bị trục xuất vì những hành động không thiện chí và không phù hợp với cương vị ngoại giao của họ.
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. (Ảnh: PressTV) |
TASS dẫn lời Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov, cho biết Nga hy vọng Mỹ sẽ nhận thấy những tính chất nguy hiểm trong các hành động gây hấn nhằm vào Nga.
Trước đó, Mỹ ngày 17/6 đã trục xuất 2 nhà ngoại giao Nga để phản ứng với vụ việc mà Mỹ cho là một nhà ngoại giao của mình bị cảnh sát Nga tấn công bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Moscow.
Phía Nga đã phủ nhận cáo buộc của Mỹ cho rằng nhân viên thuộc Cơ quan an ninh liên bang Nga (FSB) gác ngoài cổng đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Moscow tấn công một nhà ngoại giao Mỹ khi người này muốn đi vào đại sứ quán. Nga trục xuất hai nhà ngoại giao Mỹ
4. Bắt đầu từ 7h sáng 10/7 (theo giờ địa phương), khoảng 48.000 địa điểm bỏ phiếu trên khắp các địa phương tại Nhật Bản đã chính thức mở cửa và đón nhận các cử tri tham gia bầu cử Thượng viện lần thứ 24 trong lịch sử Nhật Bản.
Theo giới quan sát, khả năng liên minh cầm quyền sẽ tiếp tục giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Thượng viện lần thứ 24 ở Nhật Bản. (Ảnh: Getty) |
Trong cuộc bỏ phiếu lần này, 389 ứng cử viên sẽ tranh cử vào một nửa trong số 242 ghế nghị sỹ tại Thượng viện.
Hầu hết các dự đoán đều nghiêng về khả năng liên minh cầm quyền sẽ tiếp tục giành thắng lợi trước các đảng đối lập.
Theo giới phân tích, cuộc bầu cử này giống như một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với phe đối lập.
Vấn đề được quan tâm hiện nay là liệu liên minh cầm quyền cùng 2 đảng khác có thể giành được 2/3 số ghế tại Thượng viện hay không.
Giành được 2/3 số ghế tại cả Thượng viện và Hạ viện là điều kiện cần để đề xuất bất cứ sửa đổi hiến pháp nào. Liên minh cầm quyền hiện đã chiếm 2/3 số ghế tại Hạ viện. Cuộc đua gay cấn cho 121 ghế tại Thượng viện Nhật Bản
5. Công đảng đối lập tại Australia hôm nay (10/7) chính thức thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử liên bang hôm 3/7 vừa qua, rộng đường cho Thủ tướng Malcolm Turnbull thành lập chính phủ mới và tiếp tục nắm quyền.
Vị trí của Thủ tướng Malcolm Turnbull gần như đã được đảm bảo. (Ảnh: BBC) |
Quá trình kiểm phiếu tại Australia vẫn tiếp diễn nhưng lãnh đạo Công đảng Bill Shorten đã cho rằng, liên đảng Tự do - Quốc gia của Thủ tướng Turnbull sẽ tiếp tục nắm quyền với việc giành đủ đa số ghế.
Trước đó, trong chuyến thăm bang Queensland để thương lượng, thuyết phục các thành viên độc lập, Thủ tướng Turnbull đã bày tỏ tin tưởng Liên đảng sẽ tự thành lập được một chính phủ đa số ghế tại Hạ viện.
Hiện đã có ứng cử viên độc lập Bob Katter khẳng định sẽ ủng hộ chính phủ đương nhiệm và bày tỏ sự tin tưởng vào Liên đảng trong trường hợp xảy ra tình trạng “Quốc hội treo”./. Đảng đối lập thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử Liên bang Australia