Thế giới 24h: Karabakh - Thùng “thuốc súng” giữa Azerbaijan và Armenia
VOV.VN - Căng thẳng ở vùng Nagorno-Karabakh giữa Azerbaijan và Armenia vốn âm ỉ lâu nay đã bùng phát thành đụng độ quân sự, đe dọa an ninh vùng Kavkaz.
1. Quân đội Azerbaijan và lực lượng Armenia mới đây đã bất ngờ nổ súng giao tranh dọc giới tuyến khu tranh chấp khiến 30 lính thuộc hai bên thiệt mạng.
Hiện trường đụng độ đổ máu giữa Azerbaijan và lực lượng Armenia ở khu vực ly khai Nagorno-Karabakh. Ảnh: AP.
Sau khi xảy ra xung đột nghiêm trọng tại khu vực tranh chấp giữa Armenia và Azerbaijan, cộng đồng quốc tế đã lên án việc bùng phát giao tranh và kêu gọi các bên ngừng bắn.
Ngày 2/4, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier, người hiện nay đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), tuyên bố các hành động giao tranh tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan cần phải chấm dứt sớm nhất có thể.
Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) Nicolai Bordyuzha tuyên bố cuộc xung đột tại khu vực tranh chấp Nagorno Karabakh "không thể giải quyết bằng biện pháp quân sự và cần phải giải quyết bằng con đường đàm phán trong khuôn khổ cơ chế quốc tế".
Bộ Quốc phòng Azerbaijan lên tiếng về vụ đấu pháo ở khu tranh chấp
Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn cho Azerbaijan “đến cùng” trong xung đột Karabakh
2. Theo Tân Hoa xã, ngày 2/4, một nguồn tin quân sự cho biết dưới sự yểm trợ của máy bay chiến đấu Nga, quân đội Syria đã phát động một chiến dịch tấn công quy mô lớn nhằm vào thành phố chiến lược Qaryatain.
(Đồ họa: BBC)
Theo nguồn tin trên, bộ binh của quân đội Syria đã chọc thủng được tuyến phòng thủ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở phía Tây thành phố Qaryatain, gần với thành phố cổ Palmyra.
Nguồn tin khẳng định máy bay chiến đấu Nga đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến nhằm giành lại quyền kiểm soát thành phố Qaryatain từ tay IS.
3. Sân bay Zaventem – nơi hứng chịu loạt khủng bố đẫm máu vừa qua tại thủ đô Bỉ hôm 3/4 sẽ chính thức mở cửa trở lại, thách thức khủng bố bạo tàn.
Sân bay Zaventem ở Brussels. Ảnh: SCMP.
Dù chỉ có 3 chuyến bay trong ngày được nối lại, song quyết định này lại có ý nghĩa biểu tượng cao, như một thông điệp gửi tới những kẻ khủng bố rằng, nước Bỉ sẽ không “khép mình” trước sự tàn bạo của chúng.
Theo Tổng giám đốc sân bay Brussels Zaventem Arnaud Feist, đây là một thông điệp về hi vọng, khẳng định quyết tâm và sức mạnh của nước Bỉ vượt qua mọi thử thách và sẽ không lùi bước trước chủ nghĩa khủng bố.
Bắt đầu từ ngày mai, số lượng các chuyến bay sẽ tăng dần lên và mở rộng sang cả các hãng hàng không khác chứ không chỉ Hãng hàng không Brussels và với những điểm đến xa hơn.
Cùng với việc mở cửa trở lại sân bay, các biện pháp an ninh tăng cường cũng được tiến hành. Trước đó, tại cuộc họp khẩn cùng ngày với các nghiệp đoàn cảnh sát, chính phủ Bỉ đã quyết định thắt chặt an ninh tại khu vực sảnh chờ, cũng như tăng cường các biện pháp kiểm soát hành khách lên máy bay. Theo đó, một loạt biện pháp kiểm soát có hệ thống tất cả hành khách và hành lý trước khi được vào bên trong sân bay sẽ được triển khai.
4. Những mảnh vỡ nghi ngờ thuộc về chiếc máy bay mang số hiệu MH370 bị mất tích bí ẩn của Hãng hàng không Malaysia (Malaysia Airlines) cách đây hơn 2 năm, vừa được phát hiện tại đảo Rodrigues của Mauritius.
Các phương tiện truyền thông địa phương đưa tin, một cặp đôi người Pháp có mặt trên đảo Rodrigues đã phát hiện ra những mảnh vỡ này hôm 30/3 vừa qua.
Vụ việc sau đó được báo cho cảnh sát địa phương. Tin tức và hình ảnh của những mảnh vỡ này đã được đăng tải trên nhiều trang mạng xã hội, song đến nay, nhà chức trách Mauritius chưa có thông báo chính thức nào.
Australia xác nhận tìm thấy mảnh vỡ nghi ngờ của máy bay MH370
5. Kế hoạch đưa trả lại những người di cư từ Hy Lạp tới Thổ Nhĩ Kỳ đã làm dấy lên các cuộc biểu tình ở cả hai nước hôm qua ( 2/4), 2 ngày trước khi thỏa thuận Liên minh châu Âu – Thổ Nhĩ Kỳ có hiệu lực.
Người di cư ở Hy Lạp. Ảnh: Ibtimes.
Những người di cư bị mắc kẹt tại một thị trấn nhỏ ở khu vực biên giới giữa Hy Lạp và Macedonia hôm qua tổ chức các cuộc biểu tình, yêu cầu đòi mở cửa biên giới để họ có thể tiếp tục chuyến hành trình đến Trung và Bắc Âu.
Những người biểu tình với sự tham gia của cả người dân địa phương đã chặn một tuyến đường, yêu cầu cho phép hơn 11.000 người di cư bị mắc kẹt tới các trung tâm vận chuyển trên lãnh thổ Hy Lạp.
Trong khi đó, tại thị trấn bờ biển Dikili của Thổ Nhĩ Kỳ, hàng trăm người địa phương biểu tình phản đối việc tiếp nhận những người di cư từ các đảo của Hy Lạp gần đó.
Thỏa thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ qui định những người đến bờ biển của Hy Lạp bất hợp pháp sẽ được đưa trở lại Thổ Nhĩ Kỳ nếu họ không đủ điều kiện xin tị nạn./.